Liên quan đến vụ việc nhiều giáo viên trên địa bàn thắng kiện do bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết: Sau khi có bản án phúc thẩm, huyện sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Giáo viên liên tục thắng kiện
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chị Nguyễn Thị Bình (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk) cho biết TAND tỉnh Đắk Lắk vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là chị Bình, bị đơn là Trường THCS Ea Kly, UBND huyện Krông Pắk là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Anh Dương và một số giáo viên thắng kiện ở phiên sơ thẩm vì bị chấm dứt hợp đồng trái luật. Ảnh: QN |
Theo chị Bình, sau khi xem xét các tình tiết liên quan trong vụ việc, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã bác kháng cáo của phía bị đơn và tuyên y án sơ thẩm.
Theo hồ sơ, vào tháng 6-2012, chị Bình được Trường THCS Ea Kly ký HĐLĐ trong chỉ tiêu biên chế. Trong suốt quá trình công tác, chị Bình không vi phạm kỷ luật, nhận đầy đủ chế độ theo đúng quy định.
Vào tháng 6-2017, ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Kly (mới chuyển công tác về trường), lấy lý do ngân sách không đủ phát lương cho giáo viên hợp đồng nên chỉ đồng ý chi trả 45.000 đồng/tiết, tương đương với 1,8 triệu đồng/tháng cho chị Bình.
Trong khi đó, theo đúng quy định thì mức lương của chị Bình phải là 4,2 triệu đồng/tháng.
Từ tháng 10-2017, chị không còn được đi dạy, mặc dù thời điểm đó chị đang mang thai. Chị Bình đã làm đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết nên quyết định khởi kiện ra tòa.
Trong đơn, chị yêu cầu Trường THCS Ea Kly phải trả cho mình tổng cộng 245,5 triệu đồng tiền chế độ thai sản và tiền lương trong thời gian không được làm việc. Đồng thời yêu cầu nhà trường phải nhận mình trở lại làm việc…
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định việc nhà trường cho rằng chị Bình tự ý nghỉ việc và căn cứ theo các văn bản của UBND huyện Krông Pắk để thanh lý HĐLĐ với chị là không có cơ sở. Bởi lẽ việc chị Bình không đến trường là do không được phân công giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc Trường THCS Ea Kly lấy lý do học sinh và lớp học giảm, phải điều chỉnh HĐLĐ theo khoản 3 Điều 38 Bộ luật Lao động thì phải được UBND huyện Krông Pắk chỉ đạo bằng văn bản và thông báo trước cho giáo viên, để hai bên thỏa thuận.
Tuy nhiên, Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk không thực hiện các bước trên mà không phân công giảng dạy, không chi trả lương cho chị Bình.
Từ những nhận định trên, TAND huyện Krông Pắk đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của chị Bình, yêu cầu Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho chị tổng cộng hơn 175 triệu đồng và phải đóng BHXH cho chị Bình từ tháng 11-2018 đến tháng 11-2021.
Ngoài vụ kiện trên, UBND huyện Krông Pắk còn liên quan đến vụ kiện của năm giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai vừa xử sơ thẩm đầu tháng 1-2022.
Theo nội dung vụ kiện, đầu tháng 11-2013, anh Nguyễn Ánh Dương (sinh năm 1986, huyện Krông Pắk) thực hiện ký HĐLĐ và được bố trí giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai.
Thế nhưng đầu năm 2017, Trường Nguyễn Thị Minh Khai bất ngờ không phân công anh Dương đứng lớp, không trả lương, cũng không cho anh nghỉ việc. Tương tự trường hợp của anh Dương còn có bốn giáo viên khác.
Anh Dương và bốn giáo viên này đã cùng khởi kiện Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai.
Tại phiên xử sơ thẩm, HĐXX nhận định Trường Nguyễn Thị Minh Khai đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật đối với năm giáo viên nói trên.
Từ đó, tòa tuyên buộc Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới chi trả cho anh Dương và bốn giáo viên khác số tiền 1,2 tỉ đồng.
Các khoản tiền mà HĐXX tuyên buộc phải chi trả trên bao gồm tiền lương trong khoảng thời gian không được bố trí giảng dạy, tiền BHXH, không báo trước việc chấm dứt HĐLĐ trước 45 ngày…
Tòa buộc phía bị kiện phải đóng BHXH cho năm giáo viên này kể từ khi chấm dứt HĐLĐ đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm.
“Chẳng vui vẻ gì mà phải đi thưa kiện”
Sau phiên xử phúc thẩm, chị Bình cho biết mặc dù đã thắng kiện tuy nhiên không biết việc bồi thường được thực hiện ra sao.
Theo chị Bình, trong một tuần qua sau phiên xét xử, chị vẫn chưa nhận được thông tin gì từ phía người bị kiện về việc bồi thường theo bản án phúc thẩm.
“Cực chẳng đã chúng tôi mới phải đi kiện, chứ điều giáo viên chúng tôi mong muốn vẫn là được đi dạy” - chị Bình chia sẻ.
Về phía anh Nguyễn Ánh Dương, anh cho biết sau khi TAND huyện Krông Pắk xét xử sơ thẩm và tuyên buộc yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho anh và bốn giáo viên khác tổng cộng hơn 1,2 tỉ đồng, phía bị đơn đã có kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
“Chúng tôi là giáo viên, chẳng sướng ích gì mà đi thưa kiện. Nhưng việc chấm dứt HĐLĐ trái luật khiến chúng tôi rất bức xúc. Đã thời gian dài khiếu nại rồi thưa kiện, chúng tôi mới phần nào đòi được một phần quyền lợi của mình nhưng nay phải tiếp tục hầu kiện. Chúng tôi không thấy vui vẻ gì. Chỉ mong kiện tụng chấm dứt, bên liên quan bồi thường cho chúng tôi theo pháp luật. Giáo viên chúng tôi đã quá khổ rồi” - anh Dương nói.
Nhiều cán bộ bị kỷ luật
Theo tìm hiểu, từ năm 2011 đến 2015, UBND huyện Krông Pắk đã ồ ạt ký HĐLĐ mà không xem xét đến nhu cầu thực tế và chỉ tiêu biên chế, dẫn đến thừa hàng trăm hợp đồng ở các cấp THCS, tiểu học và mầm non.
Chỉ riêng trong năm 2015, toàn huyện đã bổ nhiệm thừa 27 phó hiệu trưởng, hợp đồng giáo viên, nhân viên ngoài chỉ tiêu biên chế số lượng lớn, kéo dài nhiều năm…
Do đó, năm 2018 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tiến hành kỷ luật khiển trách các ông Nguyễn Thành Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắk và ông Y Suôn Byă, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, hiện đã nghỉ hưu.