Theo thường trực Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm nguy cơ sạt lở đất.
Sạt lở vì khoét núi, bạt đồi làm nhà
Theo cơ quan này các xã Buôn Tría, Buôn Triết của huyện Lắk, Hòa Phong, Cư Đrăm của huyện Krông Bông, Cư San, Cư Króa của huyện M'Đrắk là những địa phương có nguy cơ sạt lở đất cao.
Ngoài ra, một số điểm nguy cơ sạt lở bờ sông ở các xã Ea R’bin, Nam Ka của huyện Lắk.
Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lắk, hàng chục năm trước người dân đã khoét núi, bạt đồi để làm nhà sinh sống và đang đối diện nguy cơ sạt lở đất nếu mỗi khi mùa mưa đến.
“Thực tế, những năm trước đã xảy ra một số vụ sạt lở đất, làm sập nhà, gây thương tích đối với người dân trên địa bàn”- ông Quang nói.
Dọc đường liên xã Buôn Tría - Buôn Triết của huyện Lắk, hàng trăm căn nhà được xây dựng sát các quả đồi bị đào bới nham nhở, cao vút phía trên.
Hầu hết người dân được hỏi đều nói do địa hình bất lợi, bên này ruộng, bên kia đồi nên họ phải làm nhà dựa lưng vào đồi núi. Cũng vì lựa chọn nơi ở mạo hiểm này nên mỗi khi mưa lũ, người dân các xã Buôn Tría, Buôn Triết luôn sống trong bất an trước nguy cơ sạt lở đất.
Theo bà Phạm Thị Ạt (75 tuổi, ngụ xã Buôn Triết), mùa mưa năm nay, một khối lượng đất đá trên đồi đã sạt xuống phía sau nhà bà.
Lo sợ tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra, bà Ạt xin chính quyền địa phương cho bạt thêm một phần đất sau nhà, nới rộng khoảng cách từ nhà đến đồi, giảm thiểu nguy cơ đất đá tràn xuống.
"Bên kia đường là ruộng, bên này đường là đồi. Người dân hoặc đổ đất lấp ruộng, hoặc khoét núi để làm nhà. Việc này do yếu tố địa hình. Cực chẳng đã chúng tôi mới làm nhà sát đồi núi. Nhà thấp, đồi cao, mỗi lần mưa to gió lớn, tôi rất lo”- bà Ạt nói.
Năm 2022 các xã Buôn Tría, Buôn Triết xảy ra những vụ sạt lở đất làm sập nhà, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Đêm 14-7-2022, một lượng đất đá lớn tràn xuống làm sập căn nhà cấp bốn của bà Trần Thị Liễu (56 tuổi, ngụ xã Buôn Tría).
Theo lời bà Liễu, khi nhà sập, cả bốn mẹ con bà đều bị kẹt lại trong đống đổ nát, thương tích đầy mình. Rất may, hàng xóm cùng lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt, hỗ trợ mẹ con bà Liễu thoát ra ngoài, đến bệnh viện cấp cứu.
Ở xã Hòa Phong và xã Cư Đrăm của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều căn nhà được xây dựng sát đồi, núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
Rà soát các điểm nguy cơ sạt lở
Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lắk, trước và trong mỗi mùa mưa lũ, chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo hoặc tạm sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Theo ông Đoàn Quang Hưng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, trước mùa mưa lũ hàng năm, ban có văn bản, đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các địa điểm sườn dốc, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét...để chủ động các phương án phòng ngừa từ xa.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã xác định các khu vực sạt lở bờ sông, bờ suối đặc biệt nguy hiểm tại các xã Nam Ka, Ea R’bin, Đắk Liêng của huyện Lắk, Cư Đrăm, Hòa Phong, huyện Krông Bông…
Hiện UBND tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình, đưa những điểm sạt lở bờ sông nói trên vào danh mục khu vực sạt lở nguy hiểm, cần khắc phục khẩn cấp với tổng kinh phí dự kiến hơn 472 tỉ đồng.