Chiều 28-5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, chủ tịch UBND của 24 quận, huyện và người đứng đầu các sở, ngành để bàn giải pháp chống ngập.
Nước ngập năm giờ mới rút
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết trong năm 2018 trên địa bàn TP.HCM có 22 trận mưa gây ngập nước. Trong đó trận mưa lớn nhất dẫn đến ngập trên diện rộng xảy ra vào ngày 19-5 vừa qua.
Trong trận mưa lớn nhất này, có 32 tuyến đường bị ngập nước nặng nề như tuyến đường Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh); tuyến đường Cây Trâm, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), đường Quốc Hương (quận 2)... Các điểm ngập này phải mất ba giờ sau nước mới rút. Cá biệt có những tuyến như Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh phải mất năm giờ mới rút nước khiến sinh hoạt, đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
32 tuyến đường trên nằm trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Riêng khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được ký kết hợp đồng thí điểm chống ngập với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quang Trung và đã vận hành trạm bơm trong suốt thời gian mưa nên không xảy ra ngập nước.
Lý giải các nguyên nhân gây ngập nặng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng vũ lượng lớn, nhiều trận mưa vũ lượng trên 100 mm, đỉnh triều vượt qua ngưỡng 1,7 m, vượt tần suất thiết kế hệ thống thoát nước (vũ lượng tối đa chỉ 95,91 mm, đỉnh triều chỉ +1,32 m). Đặc biệt, có những khu vực đô thị phát triển nóng, hạ tầng không theo kịp nên hễ mưa là ngập nước.
Đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) nước ngập nửa bánh xe trong cơn mưa tối 19-5. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Ngập nước nặng nề còn do tình trạng đầu tư chưa đồng bộ; tình trạng xả rác xuống hệ thống cống thoát nước, hệ thống cống thoát nước bị lấn chiếm; nhiều dự án đang triển khai chưa hoàn thành nên chưa phát huy tác dụng” - ông Dũng nói.
Ngoài ra, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM nhìn nhận hầu hết các tuyến đường ngập là do có hệ thống cống nhỏ, xuống cấp... Tiến độ thực hiện các dự án thoát nước triển khai còn chậm, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện...
“Công tác chống ngập chưa được như kỳ vọng, dù thực tế có đạt được một số kết quả nhất định” - ông Dũng nhìn nhận về trách nhiệm chủ quan từ phía cơ quan quản lý.
Trách nhiệm trước hết là của chính quyền
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng ngập nước và kẹt xe là hai vấn đề khiến không chỉ người dân mà cả lãnh đạo TP cũng vô cùng bức xúc. “Riêng ngập nước, có nhiều nguyên nhân do lịch sử, do con người, khách quan như biến đổi khí hậu (cũng do con người), do cả quản lý quy hoạch nhà nước và ý thức xã hội, người dân” - ông Tuyến nói và cho rằng để giải quyết căn cơ thì trách nhiệm là của cả cộng đồng, tuy nhiên trước hết vẫn là của chính quyền.
Còn đối với báo cáo của Trung tâm chống ngập nước TP, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến lưu ý: Trung tâm chống ngập cần báo cáo đánh giá một cách khoa học và đầy đủ hơn. Nói sao cho người dân hiểu chứ không chỉ dùng những từ chuyên môn như “tụ nước” như vừa qua gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời nói phải thực tế, ngập gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thì TP phải xử lý.
Sắp tới sẽ sắp xếp để Trung tâm chống ngập chỉ duy trì hai chức năng là quản lý dự án và vận hành các công trình thoát nước đã nghiệm thu. Còn quản lý nhà nước sẽ giao về Sở GTVT và 24 quận, huyện. Ông TRẦN VĨNH TUYẾN, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM |
“Những từ ngữ chuyên môn chỉ nên dùng để phục vụ trong kỹ thuật, trong thuyết minh cho dự án chứ không nên dùng khi trả lời người dân. Người dân đang bức xúc mà bảo “tụ nước” chứ không phải ngập thì không nên. Người dân cảm thấy nước gây cản trở giao thông, sinh hoạt bị ảnh hưởng thì đó là ngập, việc của chính quyền là phải xông vào giải quyết” - ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cũng yêu cầu Trung tâm chống ngập báo cáo đánh giá lại mục tiêu cụ thể, đến nay điểm nào đã xử lý hết ngập, còn điểm nào chưa xử lý… Tìm nguyên nhân từng điểm ngập còn tồn tại và phát sinh mới từ đó xây dựng kế hoạch xử lý lâu dài mới đạt hiệu quả được. Nghĩa là phải thể hiện được bức tranh về công tác chống ngập, phân tích rõ công trình hiệu quả ra sao.
Ông Tuyến cũng yêu cầu Trung tâm chống ngập cần cung cấp thông tin đầy đủ để báo chí thông tin cho người dân biết, phải chính xác và minh bạch để người dân giám sát và hiến kế cùng TP xử lý. “Không có gì phải giấu giếm cả, mình phục vụ người dân, cái gì làm được thì người dân công nhận, cái gì chưa được khiến dân bức xúc thì chúng ta ghi nhận để giải quyết” - ông Tuyến yêu cầu.
Đối với tình trạng kênh rạch, miệng giếng thu nước, cống xả bị lấn chiếm, ông Tuyến chỉ đạo phải xử lý triệt để ngay trong năm nay. Các quận, huyện không được viện bất cứ lý do gì để cho các công trình lấn chiếm tồn tại. UBND TP sẽ đi kiểm tra đột xuất các vị trí bị lấn chiếm, chủ tịch các quận, huyện phải chịu trách nhiệm.
Xử lý dứt điểm xây dựng lấn chiếm Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đề nghị các quận, huyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư thi công dự án. Đơn cử như rạch Bàu Trâu (quận 6, Tân Phú) giải quyết ngập đường An Dương Vương, Phan Anh; dự án bờ tả sông Sài Gòn (quận 2, Thủ Đức) giải quyết ngập đường Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng... Trung tâm chống ngập cũng kiến nghị UBND TP xem xét, giao UBND các quận, huyện tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước, tạo thông thoáng cho hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả; xử lý mạnh đối với những trường hợp xả rác... |