“Đúng là Bộ Xây dựng có quy định về cách xác định điểm ngập theo tiêu chí đường ngập sâu bao nhiêu, thời gian ngập bao lâu. Nhưng đó chỉ là cách xác định mức độ ngập nước trên mặt đường khi thiết kế công trình thoát nước. Còn trên thực tế, nước ngập có độ dao động cao do các phương tiện giao thông, do đó việc đo xác định mực nước chỉ tương đối. Phải dựa vào mức độ ảnh hưởng ở điểm ngập trên thực tế để đánh giá. Theo tôi, nên dùng từ ngập trong mưa hoặc ngập trong thời gian ngắn…” - ông Công nói.
Theo ông, cần phải thay đổi cách xác định điểm ngập do Trung tâm chống ngập xác định dựa trên trục đường lớn với phạm vi hẹp, chưa tính ngập đường nhỏ, ngập hẻm. Do đó, ở khu vực có tuyến đường lớn đã xóa ngập nhưng vẫn có thể còn tình trạng ngập đường nhỏ, ngập hẻm, ngập nhà dân. Vì vậy nên xác định lại toàn TP có bao nhiêu điểm ngập với tiêu chí tính theo lưu vực, đủ các dạng ngập. Như thế mới có cơ sở đối chiếu để biết hiệu quả ra sao. “Chứ như hiện nay, Trung tâm chống ngập nói hiệu quả nhưng người dân vẫn cứ kêu ngập tăng” - ông Công nói.
Đường Điện Biên Phủ ngập nặng sau cơn mưa lớn tối 19-5, nơi này trước đây không bị ngập. Ảnh: NGUYỄN THẮNG
Ông cũng cho rằng công tác chống ngập trong thời gian qua còn nhiều bất hợp lý, có thể gọi là sai lầm như thực hiện quá nhiều dự án lớn với số tiền khổng lồ nhưng lại thiếu nghiên cứu cơ bản. “Đến nay Trung tâm chống ngập vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tình trạng mưa ở TP.HCM trong khi đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến công tác chống ngập” - ông dẫn chứng. TRUNG THANH - KHANG BÁCH
Xóa chỗ nọ, ngập chỗ kia Một số tuyến đường giờ đã hết ngập + Bà Nguyễn Thu Nga (đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh) cho biết: “Năm 2016, khu vực gần nhà thờ Gia Định cứ mưa là ngập, nước lênh láng. Nhiều khi muốn chuyển nhà đi chỗ khác vì hay bị ngập, buôn bán khó lắm nhưng gần đây không thấy bị ngập nữa. Hôm mưa lớn, thấy nhiều chỗ ngập sâu nhưng ở đây chỉ 20-30 phút sau là nước rút hết, không còn ngập như trước. Nếu cơn mưa vừa qua mà xảy ra ở các năm trước, nhà tôi có khi ngập cả mét mất!”. + Ông Phan Trung Lương (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận) thì cho biết: “Năm 2016 nhà con gái ở đây mỗi lần mưa là ngập dữ lắm, nhà ngay mặt tiền, có những đợt mưa to nước tràn vào nhà, hư hỏng nhiều đồ đạc nhưng cơn mưa lớn vừa rồi không ngập”. Một số tuyến đường khô ráo giờ ngập sâu + Tuyến đường Phạm Văn Đồng gần đây khi mưa lớn là rơi vào tình cảnh ngập nước, đặc biệt đoạn giao với Phan Văn Trị tới đoạn giao với Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh. Chiều 30-4 chỉ là cơn mưa nhỏ nhưng khu vực này lênh láng nước. Còn tối 19-5, đường này ngập sâu trong cơn mưa lớn. “Chẳng hiểu sao mặt đường cao đẹp vậy mà cứ mưa là bị ngập nước” - bà Nguyễn Ngọc Lan, buôn bán ở mặt tiền đường này, cho hay. + Đường Điện Biên Phủ sau cơn mưa lớn tối 19-5, đoạn từ giao lộ đường D2 đến giao lộ đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh ngập gần lút bánh xe máy. Tuyến đường ít khi xảy ra ngập úng nhưng dạo gần đây hay bị ngập. “Từ trước đến nay nhà tôi ít khi bị ngập lắm, vừa đi làm về mà trước cửa lênh láng nước, may hôm bữa đóng cửa hàng muộn, vì nhà tôi buôn bán chăn ga gối nệm, nước mà ngấm vào đồ coi như hỏng hết rồi. Nhà bên cạnh bán gạo cũng may di chuyển sớm chứ không cả tấn gạo ướt nhẹp chỉ có bỏ đi chứ chẳng bán được nữa” - ông Nguyễn Anh Quang nói. NGUYỄN THẮNG |
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm chống ngập, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 là hơn 96.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752) là gần 53.000 tỉ đồng. Vốn thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP.HCM (Quy hoạch 1547) là hơn 20.000 tỉ đồng. Dự kiến trong giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm TP.HCM phải bố trí khoảng 4.250 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi vay mà TP.HCM đã chi vào các dự án chống ngập. |