Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số hộ dân ở đường Kinh Dương Vương, khu phố 1, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết mới đây họ phát hiện nhà của mình bị Phòng TN&MT quận ra công văn tạm thời ngăn chặn giao dịch mà họ không hề biết lý do.
Bất ngờ với công văn tạm ngăn chặn
Ông Nguyễn Văn Bộc (khu phố 1, phường An Lạc, quận Bình Tân) trình bày: Ông có hai căn nhà ở địa chỉ số 472 và số 500 đường Kinh Dương Vương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận) từ năm 2014.
Hai căn nhà này do vợ chồng ông trực tiếp quản lý và sử dụng từ đó đến nay. Vợ chồng ông cũng không có tranh chấp với ai về hai căn nhà này.
Tuy nhiên, ngày 13-3, khi ông đến phòng công chứng giao dịch dân sự liên quan đến hai căn nhà trên thì được công chứng viên cho biết nhà ông hiện tại tạm thời không được giao dịch.
“Khi tôi đến tra cứu ngăn chặn bất động sản trên phần mềm của Sở Tư pháp TP.HCM thì được biết vào ngày 28-2, Phòng TN&TM quận Bình Tân kiến nghị tạm thời ngăn chặn, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với hai căn nhà của tôi. Nhà tôi không tranh chấp với ai, nếu có tại sao không thông báo cho chúng tôi biết mà lại ra văn bản ngăn chặn giao dịch nhà, đất của tôi?” - ông Bộc bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (số nhà 484-486 Kinh Dương Vương) cũng rơi vào tình trạng tương tự.
“Tôi rất bất ngờ với công văn ngăn chặn của Phòng TN&TM quận Bình Tân. Bởi hiện tại căn nhà của tôi đã được công nhận chủ quyền và cũng không ai tranh chấp gì nhưng tại sao lại bị ngăn chặn. Nếu có vấn đề gì với pháp lý căn nhà, tại sao cơ quan chức năng không thông báo gì cho người dân biết? Do bị ngăn chặn giao dịch, ngân hàng không cho vay tiền, mọi kế hoạch bị đổ vỡ thì ai chịu trách nhiệm cho tôi đây?” - ông Ngọc nói.
Ông Nguyễn Văn Bộc bức xúc vì bỗng dưng nhà mình bị ngăn chặn. Ảnh: N.HIỀN
Đang thanh tra toàn bộ khu đất
Trao đổi với chúng tôi, ông Lại Phú Cường, Trưởng phòng TN&MT quận Bình Tân, cho biết hiện nay toàn bộ khu đất liên quan đến các hộ dân tạm thời ngăn chặn biến động vì Thanh tra Chính phủ đang phúc tra, kiểm tra về quá trình cấp giấy chứng nhận do có đơn khiếu nại của người dân. Vì chưa có kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan nội dung phúc tra, kiểm tra nên trong thời gian chờ kết quả, phòng phải ra văn bản tạm thời ngăn chặn giao dịch.
“Năm 2017, khi đoàn Thanh tra Chính phủ vào thanh tra, kiểm tra thì UBND quận phải có công văn ngăn chặn giao dịch đối với bất động sản đang được thanh tra.
Thế nhưng tôi không hiểu lý do vì sao lúc ấy UBND lại không ra công văn ngăn chặn. Trong quá trình tiếp nhận nhiệm vụ, tôi đã ra văn bản tạm thời ngăn chặn giao dịch trên khu đất trên. Ngoài ra, văn bản của phòng chỉ mang tính tham khảo vì thẩm quyền ra quyết định ngăn chặn là cơ quan cấp giấy chứng nhận, tức UBND quận” - ông Cường nói.
“Ngày 20-3, UBND quận đã ra văn bản ngăn chặn chính thức rồi. Phòng cũng đang trình UBND quận về văn bản thông báo cho người dân biết. Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu thì chưa thấy văn bản nào quy định phải thông báo cho người dân biết việc cơ quan chức năng ra thông báo ngăn chặn. Nếu muốn biết về thông tin ngăn chặn, người dân nên đến liên hệ với UBND để được giải thích rõ” - ông Cường cho biết thêm.
Không thể ban hành công văn với thuật ngữ “tạm thời” Theo các quy định hiện hành, chỉ có các cơ quan chức năng liên quan như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án, cơ quan cấp giấy chứng nhận… mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Trong vụ việc này, văn bản ngăn chặn ngày 20-3 của UBND quận Bình Tân là đúng thẩm quyền, bởi đây là cơ quan cấp giấy chứng nhận. Về văn bản tạm thời trước đó, phòng TN&MT không thể ban hành công văn với thuật ngữ là “tạm thời” để ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản của người dân. Quyết định ngăn chặn giao dịch là một quyết định hành chính. Nếu người dân cho rằng việc ra quyết định ngăn chặn đối với tài sản của mình là sai thì có quyền gửi đơn ra tòa kiện quyết định hành chính. Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM Có được thông tin công khai văn bản ngăn chặn tạm thời? Trao đổi với chúng tôi, bà Lâm Quỳnh Thơ, Giám đốc Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Chức năng của trung tâm là cung cấp thông tin theo quy định. Trung tâm không có chức năng phải xác định những yêu cầu của cơ quan nhà nước. Tức là khi các cơ quan phát hành văn bản ngăn chặn hay tạm thời ngăn chặn thì cơ quan ấy phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp với yêu cầu đã đưa ra. Với những thông tin mà trung tâm đưa lên trên mạng để công chứng viên biết được rằng đang có yêu cầu của một cơ quan nào đó về một vụ việc cụ thể. Ví dụ như trong trường hợp này thì trong quá trình xử lý nghiệp vụ, phòng TN&MT thấy cần ngăn chặn thì họ ra văn bản ngăn chặn. Trung tâm không tham gia vào việc xử lý hồ sơ của phòng TN&MT và khi gửi văn bản thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của văn bản đã đưa ra. |