Hàng trăm người dân ở hai ấp 5 và 6, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre đã từng kéo nhau ra mỏ cát ở sông Hàm Luông ngăn cản không cho doanh nghiệp khai thác. Họ lo lắng việc khai thác cát sẽ gây sạt lở ngày càng nhanh hơn tại vùng đất cồn họ đang sinh sống.
500 chữ ký của dân
Suốt hơn hai năm nay, người dân hai ấp 5 và 6, xã Thạnh Phú Đông liên tục gửi đơn kiến nghị tập thể với hơn 500 chữ ký đến các cơ quan chức năng của huyện Giồng Trôm, Bến Tre và trung ương. Nội dung: Yêu cầu UBND tỉnh rút giấy phép hoạt động mỏ cát của Công ty Cổ phần Đầu tư 779 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế, đầu tư và xây dựng Sông Lam).
Theo người dân, ấp 5 và 6 nằm trọn trên hai cồn liền nhau là cồn Linh và cồn Lá được bao bọc bởi sông Hàm Luông, có tổng diện tích khoảng 350 ha với hơn 700 hộ dân sinh sống. Đoạn sông Hàm Luông có chiều dài gần 7 km đi qua địa bàn hai ấp này từ trước tới nay thường xuyên xảy ra sạt lở rất nghiêm trọng; một phần do là khu vực cồn cát nên đất rất dễ bị cuốn trôi, một phần do khu vực này bị “cát tặc” hoành hành đã nhiều năm nay.
Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Văn Sơn, người dân ấp 5, cho biết hiện ở hai đầu cồn sạt lở đã ăn sâu vào hơn 1 km. Ven sông Hàm Luông có rất nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào tận nhà dân, nhiều hộ dân phải liên tục di dời nhà. “Vì là khu vực cồn cát đang bị sạt lở, nếu mỏ cát vào khai thác nữa thì chắc không bao lâu hai cồn này sẽ bị xóa sổ” - ông Sơn nói.
Sau khi gặp sự phản ứng quyết liệt của người dân, chính quyền và ngành chức năng của huyện đã cử người đến vận động, thương lượng với dân, đồng thời đề nghị doanh nghiệp tạm dừng khai thác cát nhằm ổn định tình hình.
Người dân lo nếu cho mỏ cát khai thác thì đất cồn thuộc ấp 5 và 6, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm sẽ bị xóa sổ nay mai. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sẽ họp lắng nghe dân
Ngày 12-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Chờ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông, cho biết trước khi cấp phép mỏ cát tại đoạn sông Hàm Luông thuộc ấp 5 và ấp 6, ngành chức năng chỉ khảo sát chứ chưa lấy ý kiến rộng rãi trong dân. Việc lấy ý kiến sơ sài này đã dẫn đến việc nhiều người dân phản đối, buộc phải dừng khai thác khi mỏ cát hoạt động.
Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, chiều 12-7, UBND huyện Giồng Trôm phối hợp với Sở TN&MT tỉnh, chính quyền xã Thạnh Phú Đông và đại diện Công ty Sông Lam đã có cuộc họp bàn về phương hướng xử lý mỏ cát trong thời gian tới. Tại cuộc họp, UBND huyện Giồng Trôm thống nhất sắp tới huyện sẽ tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân ấp 5 và 6.
“Nếu người dân đồng thuận thì tỉnh thống nhất cho doanh nghiệp vào khai thác. Còn nếu người dân không đồng thuận thì Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh rút giấy phép khai thác mỏ cát để người dân an tâm, không để bức xúc lớn kéo dài” - ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, khẳng định.
Khoảng giữa tháng 6-2016, UBND tỉnh Bến Tre đã có quyết định cấp phép cho Công ty Cổ phần Đầu tư 779 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế, đầu tư và xây dựng Sông Lam) được khai thác cát tại mỏ cát trên sông Hàm Luông, đoạn thuộc xã Thạnh Phú Đông. Diện tích khai thác 66,2 ha; trữ lượng 1,5 triệu m3; công suất khai thác 300.000 m3 cát/năm; thời hạn khai thác ba năm. |