Theo người dân, từ khi Nhà máy xử lý rác Tân Phú của Công ty Đa Lộc hoạt động đã gây khói bụi, mùi hôi thối nồng nặc. Nhà máy còn xả trực tiếp nước thải ra ngoài môi trường khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm này làm trẻ em ở khu vực bị hen, suyễn, ghẻ lở, tiêu chảy…
Ngoài ra, việc sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Toàn bộ hơn 10.000 m2 lúa của gia đình tôi chết rụi. Chúng tôi đào mương, lên líp cao để trồng cây ăn trái và nuôi cá cũng chết hết. Cây trồng và đất không thể canh tác do không có nguồn nước tưới tiêu do nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm” - ông Lê Văn Lâm, một người dân, nói.
Người dân phản ánh nhiều lần nhưng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. Theo ghi nhận của PV vào ngày 15-11, trong khuôn viên nhà máy có hàng chục ngàn tấn rác để lộ thiên. Xung quanh nhà máy xử lý rác, nước rỉ rác đen ngòm, đặc quánh và bốc mùi hôi thối nồng nặc chảy tràn ra môi trường. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chặn, không cho xe chở rác vào nhà máy xử lý rác đến khi nào cơ quan chức năng và Công ty Đa Lộc giải quyết dứt điểm ô nhiễm” - ông Ngô Văn Viễn, một người dân, nói.
Được biết hiện xung quanh Nhà máy xử lý rác Tân Phú có gần 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu sinh sống. Trả lời Pháp Luật TP.HCMngày 15-11, ông Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, nói: “Tôi không ở đó nhưng tôi cũng bức xúc”.
Theo ông Nghị, UBND huyện đã đi khảo sát tại nhà máy rác thải và môi trường sống xung quanh. “Nhà máy gây ô nhiễm khá nghiêm trọng. UBND huyện đã yêu cầu Công ty Đa Lộc khắc phục bằng việc xây tường che chắn, xử lý dứt điểm rác tồn đọng, không để nước rỉ rác chảy ra ngoài khu dân cư, thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường... Tuy nhiên, đến nay Công ty Đa Lộc chưa khắc phục như đã cam kết” - ông Nghị nói.
Ông Nghị cho biết UBND huyện đã đề nghị chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp kiểm tra việc đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy rác. UBND huyện đang chờ chỉ đạo của tỉnh để giải quyết dứt điểm vụ việc này.