Đã có hộ phải hiến cả chục mét vuông đất nhưng không một lời ca thán, cũng không yêu cầu bồi thường một đồng nào. Tất cả hộ dân chỉ có một ước mơ cháy bỏng là con đường vào nhà được rộng rãi, thoải mái, sạch sẽ và khang trang hơn.
Hiến đất làm gương
Suốt gần 20 năm qua, hơn 40 hộ dân thuộc các tổ 225, 226, 227, đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng chỉ mong muốn có một con đường khô ráo, sạch sẽ.
Nằm ngay trên đường vào mỏ đá, hằng ngày những hộ dân tại đây phải chịu cảnh bụi như sương mù. Xe chạy nhiều, mặt đường xuống cấp trầm trọng hơn. Mùa mưa nước ngập qua đầu gối, khổ sở trăm bề. Do vậy năm 2016, quận Liên Chiểu thông báo sẽ đầu tư xây dựng mới đoạn đường này rộng ra thành 7,5 m, ai nấy đều hứng khởi.
Ông Mai Mạnh, tổ trưởng tổ dân phố 267, cho hay để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, tất cả hộ dân nằm trong diện giải tỏa đều tự nguyện tháo dỡ, đập phá đi một phần nhà của mình, chỉ mong là tuyến đường nhanh chóng hoàn thành.
“Để làm gương cho mọi người, tôi tự nguyện hiến gần 12 m2 đất nhà ở. Rồi từ đó tôi đi vận động không chỉ bà con trong tổ của mình mà còn nhiều nhà trong các tổ khác” - ông Mạnh tâm sự.
Theo chân ông Mạnh, tất cả 40 hộ dân nơi đây ai cũng đều tự nguyện hiến đất để đóng góp vào lợi ích chung. Trong đó có gia đình ông Mai Tạo tự động hiến hơn 30 m2 đất nhà ở. Gia đình bà Lê Thị Sự, tuy nhà chỉ có 27 m2 nhưng bà cũng hiến hơn 18 m2 để làm đường.
Đa số nhà của các hộ dân trên đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đều bị đập đi một phần để làm đường. Ảnh: N.TRI
Mất cả trăm triệu đồng vẫn vui
Hẻm 210 Trần Cao Vân đoạn qua phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng chỉ dài khoảng 300 m, có 40 hộ dân của khu dân cư Tam Tòa và Thuận Thành sống dọc hai bên. Lúc trước đường chỉ rộng 1,2 m nhưng nhờ sự nỗ lực vận động của bà Trần Thị Cúc cộng với ý thức tự nguyện của bà con nên hiện nay con đường đã được mở rộng ra gần gấp đôi.
Theo bà Cúc, khi bắt đầu đi vận động, có tới 80% số hộ dân đồng ý, ai nấy đều nhiệt tình hưởng ứng nhưng đến ngày tháo dỡ thì ai cũng e ngại không thực hiện. Không nề hà, bà Cúc kiên trì đến gõ cửa từng nhà.
“Được một thời gian, chỉ có hộ của ông Nguyễn Hương Hạ và bà Nguyễn Thị Thủy Tiên tự giác đập bỏ đi ngôi nhà của mình. Ban đầu ai cũng tưởng gia đình ông Hạ với bà Tiên có vấn đề vì tự nhiên lại đập ngôi nhà mà mình đang sinh sống. Nhưng rồi khi nhận thấy đường vào nhà thoải mái, không còn cảm giác bí bách, khó chịu vì phải nhường đường mỗi khi vào hẻm, tất cả hộ còn lại đều tự giác tháo dỡ cổng ngõ để đường đi được rộng rãi hơn” - bà Cúc cho hay.
Ông Nguyễn Đình Hóa, trú hẻm 210, tâm sự: “Tôi cũng tự nguyện hiến hơn 13 m2 đất mở rộng đường. Với giá đất hiện nay thì tôi mất cả trăm triệu đồng. Tuy vậy, tôi vẫn thấy vui vì phần nào giúp đường vào được rộng rãi hơn”.
Bà Võ Thị Ngọc Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Thuận, cho biết phường rất hoan nghênh ý tưởng của bà Cúc cũng như sự đồng thuận của các hộ dân sống tại hẻm 210. Đa số hộ dân cũng còn nhiều khó khăn nên phường cũng có hỗ trợ một số tiền nhất định cho các hộ dân đã hiến đất làm đường.
“Lúc trước đường vào rất nhỏ, đường chỉ vừa cho một chiếc xe máy. Từ khi đường được mở rộng người dân đã đi lại thoải mái, nếu có chuyện đột xuất thì cũng dễ ứng phó hơn” - bà Nhung nói thêm.
Rất cảm phục tinh thần hiến đất của người dân Từ khi có dự án làm mới đoạn đường Nguyễn Huy Tưởng, 100% người dân tự giác tháo dỡ bờ rào để hiến đất làm đường. Việc người dân tự nguyện hiến đất khiến bản thân tôi rất bất ngờ, rất cảm phục. Bởi đa số hộ dân nơi đây đều có cuộc sống rất khó khăn. Vậy mà có người đã không ngần ngại hiến hàng chục mét vuông để làm đường. Ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, |