Ngày 2-3, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; lễ ký kết hỗ trợ, phối hợp “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn liền với giảm nghèo bền vững và phát động phong trào “TP chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.
Lãnh đạo TP chứng kiến các đơn vị ký kết thi đua.
Trong năm 2016, UBND TP đã có quyết định công nhận xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 54/56 xã. Hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vì mới chỉ đạt 17/19 tiêu chí.
Từ khi thực hiện chương trình đến cuối năm 2016, TP.HCM huy động nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt hơn 11.162 tỷ đồng, trong đó huy động từ cộng đồng hơn 2.259 tỷ đồng. Người dân hiến đất để làm đường, xây dựng hạ tầng hơn 1.455 tỷ đồng. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn TP đạt hơn 41,4 triệu đồng một người trong một năm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang (thứ 3 từ trái sang) tham quan sản phẩm rau sạch tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đề nghị các quận, Tổng công ty, Đảng ủy cấp trên cơ sở tiếp tục hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương; giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của TP; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Ông Liêm cũng yêu cầu các huyện còn lại, phấn đấu đến cuối năm 2019 có 56/56 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới và đến năm 2020 có 5/5 huyện được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao bằng khen của UBND TP cho các cá nhân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đề nghị cần tập trung triển khai thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng và an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
“Dù quyết liệt tiến công nhưng không chạy theo chỉ tiêu, không chạy theo thành tích. Các tiêu chí khó tập trung làm trước như phát triển sản xuất, giảm nghèo, thu nhập. Các tiêu chí dễ giao cho dân thực hiện”- ông Cang nói và cho rằng xây dựng nông thôn mới không được nóng vội.
Dịp này,TP.HCM cũng tặng bằng khen cho 10 tập thể và 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”.