Hiện nay có rất nhiều người có điều kiện về kinh tế, đời sống cao. Họ có nhu cầu được bảo hiểm ở mức độ cao hơn, cả về phạm vi dịch vụ y tế và mức thụ hưởng về tài chính. Từ đó, đã có nhiều người từ chối bảo hiểm y tế (BHYT) xã hội để sử dụng các bảo hiểm tư nhân bên ngoài.
Từ lý do trên, Bộ Y tế đang hoàn thành đề án thực hiện liên kết BHYT xã hội và BHYT thương mại trong khám chữa bệnh. Khi đề án này được đưa vào thực hiện, người dân sẽ được hưởng khá nhiều lợi ích mà từ trước đến nay BHYT xã hội chưa đáp ứng được.
Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân
Trao đổi với ông Lê Văn Khảm, Vụ BHYT, Bộ Y tế, về sự kết hợp giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại thông qua áp dụng gói BHYT bổ sung do các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện, ông khẳng định đây là nhiệm vụ vô cùng cần thiết.
Ông Khảm cho hay dự thảo đề án liên kết BHYT xã hội với BHYT thương mại trong khám chữa bệnh nhằm kết hợp nguồn tài chính từ quỹ BHYT xã hội với nguồn tài chính từ các doanh nghiệp BHYT thương mại, thông qua liên kết giữa hai loại hình bảo hiểm.
Khi hai loại BHYT này kết hợp, BHYT thương mại sẽ tự động được cấp số thẻ như thẻ BHYT xã hội. Từ đó, các cơ sở y tế phải cung cấp dịch vụ BHYT cho người bệnh, áp dụng quyền lợi của BHYT thương mại. Đặc biệt, việc kết nối giữa hai loại hình bảo hiểm này sẽ giúp các cơ sở y tế tiết kiệm tài nguyên dữ liệu, đảm bảo dịch vụ y tế tại các bệnh viện luôn công khai, minh bạch.
Việc liên kết BHYT xã hội và BHYT thương mại sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Người dân không chỉ được phòng bệnh, chữa bệnh mà còn giảm thiểu thời gian khám, điều trị cũng như đau đớn về thể xác, tinh thần trong quá trình khám chữa bệnh.
Khi BHYT xã hội liên kết với BHYT thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cung cấp quyền lợi BHYT gia tăng cho người dân. Ảnh: HTD
Giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước
Ông Khảm cho hay người dân cần hiểu rõ BHYT xã hội khác với BHYT thương mại. Đối với BHYT xã hội, mức đóng theo tỉ lệ, mức hưởng theo mức độ bệnh tật, quỹ quản lý theo hướng tập trung. Còn BHYT thương mại thì mức đóng đi đôi với mức hưởng, đóng cao thì hưởng cao, đóng thấp thì hưởng thấp… Hình thức tham gia BHYT xã hội hiện nay là tham gia bắt buộc, còn BHYT thương mại tham gia tự nguyện. Mặc dù quy định BHYT xã hội bắt buộc phải tham gia nhưng lại chưa có chế tài để xử phạt khi không tham gia BHYT.
“Vì vậy, khi BHYT xã hội liên kết với BHYT thương mại, người dân sẽ được chi trả phần đồng chi trả tới 20%; được chi trả đối với các dịch vụ kỹ thuật thuốc, vật tư y tế quy định theo điều kiện, tỉ lệ; được lựa chọn tuyến điều trị, thầy thuốc, giường bệnh, thuốc, vật tư y tế cũng như phương pháp điều trị theo nhu cầu” - vụ trưởng nói.
Ngoài những lợi ích trên, khi BHYT xã hội và BHYT thương mại liên kết với nhau, các bệnh viện sẽ có thêm nguồn đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được đảm bảo.
Theo thông tin ban đầu về chính sách liên kết, hợp tác giữa hai loại hình BHYT xã hội và BHYT thương mại, ông Khảm cho hay cùng một đối tượng tham gia BHYT với cùng rủi ro được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cung cấp quyền lợi BHYT gia tăng cho người dân như gia tăng dịch vụ y tế (phòng dịch vụ VIP, phẫu thuật chỉ định bác sĩ,…); gia tăng vật tư y tế (phương tiện, kỹ thuật); cải thiện thuốc men y tế bổ sung hoặc chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, người dân còn được hưởng thêm các quyền lợi BHYT bổ sung như bảo hiểm cho các rủi ro không thuộc phạm vi BHYT xã hội hoặc các rủi ro bị loại trừ trong BHYT xã hội như điều trị tật khúc xạ, thuốc vật tư ngoài danh mục hoặc trường hợp được BHYT xã hội ủy quyền; BHYT khám chữa bệnh tại nước ngoài.
Ngăn chặn gian lận BHYT Đối với xã hội, khi thực hiện việc liên kết này, chi phí dành cho khám chữa bệnh giảm, ngăn chặn gian lận BHYT; hiệu quả hoạt động của hai hệ thống BHYT xã hội và BHYT thương mại được tối ưu hóa; doanh nghiệp mở rộng dịch vụ. Từ đó tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu y tế toàn dân, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng. |