Hôm qua (28-3), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã dành cả ngày để thảo luận tổng kết về chặng đường năm năm qua của QH. Nhiều dấu ấn nhiệm kỳ QH khóa XIII được ghi nhận nhưng cũng không ít ĐB ưu tư về thế nước, lòng dân. Trong đó đáng chú ý là nỗi lo về vấn đề biển, đảo, nỗi lo bộ máy trì trệ, kỷ cương buông lỏng, cán bộ chỉ chăm chăm lợi ích riêng…
Phải cải cách chế độ lương
Nhận xét về nhiệm kỳ qua của QH, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng QH đã có những dấu ấn quan trọng như ban hành Hiến pháp 2013, ổn định tình hình kinh tế-xã hội… Thế nhưng vấn đề cấp bách nhất hiện nay vẫn còn tồn tại là vấn đề bộ máy quản lý trì trệ và con người thực thi các quyết sách của Đảng và Nhà nước…
ĐB Tâm cho rằng bộ máy hiện nay còn những chỗ chồng, giẫm chân lên nhau, cồng kềnh, đồ sộ, thiếu hiệu quả. Chính điều này sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy “không tinh giản được biên chế sẽ không thể tiến hành cải cách chế độ tiền lương, không cải cách chế độ tiền lương khó có thể chống tham nhũng”.
Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông) cho rằng QH còn một món nợ với dân đó chính là một nghị quyết về biển Đông. Ảnh: TP
“Nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy. Bác Hồ nói cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đất nước sớm khắc phục được tồn tại, hạn chế hay không, có hội nhập thành công hay không, có phát triển nhanh và bền vững hay không phụ thuộc vào chúng ta có thể chế tốt và bộ máy chỉ đạo, điều hành đủ tâm và đủ tầm hay không” - ĐB Tâm nói.
Dẫn chứng về bộ máy đang phình to, thiếu hiệu quả, ĐB Trần Đình Long (Đắk Nông) nói: “Một viện nghiên cứu cây trồng mà có đến 2.300 cán bộ, công chức và viên chức, 70 tiến sĩ và giáo sư, 480 thạc sĩ, 1.500 cử nhân. Nhà nước đài thọ đầy đủ về chi thường xuyên, dự án thì đi đấu thầu, trúng thì nghiên cứu, không trúng thì đi làm thuê cho người khác”.
Ông cho hay vấn đề này Ủy ban Thường vụ QH đã từng có giám sát, báo cáo ra QH nhưng cũng chỉ là “kiến nghị thôi”, chưa giải quyết được tận gốc, không giải quyết được triệt để.
Nợ nghị quyết về biển Đông
Theo ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM), đất nước đang có những vấn đề lớn cần phải được giải quyết ngay, cụ thể là “bảy nỗi lo và ba mong ước của nhân dân”. Trong đó, nỗi lo hàng đầu là “Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển, đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay là một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình nhưng họ thì ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia”.
Còn ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì đề cập thẳng đến thực trạng ngư dân bị hiếp đáp khi ra khơi, đồng thời đề nghị QH phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề này. “Làm sao cho ngư dân đi biển yên tâm, không bị ai đàn áp, làm sao cho biển không còn gợn sóng, làm sao cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền đất nước. Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất tiếng nói của dân, nhiều phản ứng của QH còn chậm. Tôi mong thời gian tới, những vấn đề còn nguyên vẹn như vậy QH cần quan tâm hơn nữa, có tiếng nói kịp thời phản ứng hơn nữa” - ông Quốc nói.
Cùng quan điểm này, ĐB Trần Đình Long (Đắk Nông) cho rằng mặc dù QH làm được nhiều việc nhưng vẫn còn một món nợ với dân đó chính là một nghị quyết về biển Đông.
Người dân mong cán bộ thực sự tận tụy, liêm chính Nhân dân đang rất lo lắng với hiện thực cán bộ suy thoái, bo bo lợi ích riêng, tham nhũng vặt. Tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ nhiều người. Việc gì cũng phải lót tay, phong bì, phải lại quả, gây ra một nếp sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí, đó cũng là một vấn nạn gắn với tham nhũng, làm cản trở quá trình đi lên của đất nước. Một trong những mong muốn của nhân dân hiện nay là phải xây dựng được bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp tinh hoa, cán bộ thực sự tận tụy, liêm chính. ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) |