‘Tham nhũng ngày càng hiện hữu’

Sáng 22-3, Quốc hội (QH) đã dành thời gian nghe các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, QH và Chính phủ (CP), Thủ tướng CP.

Nợ công tăng nhanh: Đề nghị đánh giá trách nhiệm

Đánh giá về một trong những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh) cho rằng trong nhiệm kỳ 2011-2016, CP đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm năm 2011-2015 (bình quân năm năm đạt trên 5,9%/năm, năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008). CP cũng đã điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, ưu tiên chi cho con người và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển…

Cũng theo Thủ tướng, CP đã “tăng cường quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công trong giới hạn quy định”.

Tuy nhiên, khi đánh giá về những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng thừa nhận do năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.

Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí.

“Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm” - Thủ tướng nêu.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm ủy ban này - ông Phan Trung Lý đã đề nghị CP đánh giá kỹ hơn vấn đề nợ công, “nguyên nhân và trách nhiệm của CP trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh (năm 2011 là 50% GDP và hiện nay đã là 62,5%), áp lực trả nợ lớn, nợ CP vượt giới hạn quy định (hiện là 50,3% GDP, trong khi mức cho phép là 50%), hiệu quả sử dụng vốn vay thấp”. Ngoài ra còn các vấn đề khác như tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…

Các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường ngày 22-3. Ảnh: TTXVN

Chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tham nhũng

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi theo dõi báo cáo nhiệm kỳ của CP là công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đánh giá về những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng CP, Thủ tướng CP đã chỉ đạo xây dựng, trình ban hành luật liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc PCTN, trong đó có Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật PCTN (sửa đổi)… và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, CP đã đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm kê, thống kê; ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, tiếp cận chuẩn mực quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.

Về mặt tồn tại, hạn chế, CP cho rằng “việc lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều hạn chế. PCTN chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi”.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng CP đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để PCTN, lãng phí, đặc biệt đã ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân như thuế, hải quan; quản lý chi tiêu công, giảm các đoàn đi công tác nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, “Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh PCTN vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục” - ông Phan Trung Lý nói.

Đánh giá chung về báo cáo nhiệm kỳ của CP, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo CP cần phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của CP, các thành viên của CP nhiệm kỳ qua…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm