Xử tham nhũng: Không phân biệt ai!

“Khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm nhưng chỉ xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế”. Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng do Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ký, đã nhấn mạnh như thế.

Những lĩnh vực “nóng” về tham nhũng

Trước diễn biến phức tạp của tham nhũng, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, người đứng đầu trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Thành ủy sẽ quyết “điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, uy tín giảm sút, có dấu hiệu tham nhũng, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm, kịp thời người đứng đầu nếu không chủ động phát hiện, để xảy ra tham nhũng hoặc bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng đề nghị các cơ quan đơn vị khi phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng có khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải kịp thời kiến nghị để xem xét, sửa đổi cho phù hợp… Đồng thời nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, giải quyết tố cáo, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Ban Thường vụ chỉ ra các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu: Cấp phép xây dựng, thanh tra xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà; hoạt động thông qua chống buôn lậu của ngành hải quan; hoạt động thu, hoàn thuế; chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Chương trình hành động còn nhấn mạnh: “Thường xuyên kiểm tra việc kê khai, công khai, minh bạch và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ nhằm phát hiện, xử lý theo quy định các trường hợp có biểu hiện tham nhũng”.

Vụ án tham nhũng Huỳnh Ngọc Sỹ đã được đưa ra xét xử nghiêm. Ảnh: DV

Phải thu hồi tối đa tài sản tham nhũng

Thường vụ cũng yêu cầu tập trung xử lý kịp thời, nghiêm minh đúng pháp luật đối với các hành vi tham nhũng. Theo đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải kiên quyết khởi tố điều tra, truy tố, xét xử. Chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật về xử lý hành vi tham nhũng.

Đồng thời trong xử lý tham nhũng phải kịp thời áp dụng các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có.

Thành ủy TP.HCM cũng nhận mạnh việc phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong phát hiện, xử lý vụ án tham nhũng, trong đó có của báo chí. “Các cơ quan báo chí đẩy mạnh hoạt động điều tra, tác nghiệp đối với những ngành, lĩnh vực, đối tượng có nhiều dư luận tham nhũng, giàu có bất thường…” - báo cáo nêu rõ.

Phải làm rõ việc cán bộ giàu lên bất thường

Việc đầu tiên là phải thay đổi cách kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản. Đồng thời, quyền của người dân được biết tài sản của cán bộ, lãnh đạo phải được đưa vào các quy định pháp luật. Dù hô hào công khai tài sản nhưng thực tế, ngay cả tài sản của lãnh đạo cấp cao nhưng trong nội bộ còn chưa biết thì làm sao nhân dân biết được.

Hiện nay hiếm có cơ quan nào đi thẩm tra việc kê khai của các vị lãnh đạo. Trong khi đó, người dân lại không hiểu vì sao ngày càng có nhiều cán bộ giàu lên rất nhanh mà không hiểu họ làm giàu bằng cách nào. Khi nào việc xử lý, kỷ luật cán bộ giàu bất thường vẫn chỉ là giơ cao đánh khẽ thì sự bất minh tài sản quan chức vẫn là một thách thức đối với nhân dân, với Đảng.

Ông VŨ QUỐC HÙNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực
Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Phải có cơ chế giám sát quyền lực, bảo vệ người tố cáo

Cần phải thiết lập một cơ chế giám sát quyền lực bên trong của các cơ quan, tổ chức nhà nước, khi mà các thiết chế tự thân hiện nay không phát huy hiệu quả. Đồng thời phải kiện toàn cơ chế bảo vệ người dân tố giác tham nhũng.

Thử hỏi vấn đề là tại sao không thể phát hiện các vụ tham nhũng trong cơ quan, tổ chức nhà nước? Theo tôi, thứ nhất là do vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng không chỉ ở một người mà ở một tập thể cùng bao che cho nhau để tham nhũng được nhiều hơn. Việc này tôi đã ý kiến nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng lúc nào đại biểu cũng bảo phải từ từ. Cứ từ từ như vậy chỉ tạo cơ hội cho tham nhũng lộng hành mà thôi.

Thứ hai, cơ chế khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng có đó nhưng còn rất sơ sài. Mọi người sẽ không dám đứng lên tố cáo người cán bộ cùng cơ quan mình hay sếp của mình nhận hối lộ vì tâm lý sợ bị trù dập, lãnh hậu quả, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn liên lụy cả gia đình, con cái.

Cử tri NGUYỄN VĂN NGHĨA, quận 9, TP.HCM

N.ĐỨC - L.THOA ghi

Báo cáo tổng kết 10 năm của TP.HCM về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho hay: Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2013 chỉ đạt 10%, năm 2014 Nhà nước chỉ thu hồi được khoảng 1.500 tỉ đồng trên tổng số 6.740 tỉ đồng thiệt hại từ các vụ án tham nhũng, đạt tỉ lệ 22%. Một số vụ việc không thể xử lý tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc phạm tội khác. Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm