Tự phát hiện tham nhũng: Nghịch lý và dấu hỏi trống

Tất nhiên, việc các cơ quan, tổ chức chưa phát hiện được tham nhũng cũng có thể là do công tác phòng ngừa tham nhũng của những đơn vị này phát huy hiệu năng nhưng cũng không loại trừ khả năng là chưa phát hiện ra được tham nhũng. Trong khi đó, tình hình tham nhũng liên tục được dự báo là ngày càng tinh vi, phức tạp; án tham nhũng sau thường lớn hơn án tham nhũng trước và mục tiêu đẩy lùi, kéo giảm tham nhũng đến nay “vẫn chưa đạt yêu cầu”.

Một nghịch lý tồn tại ở ngay điểm này. Vì thường chỉ người có chức vụ, quyền hạn, nói một cách cụ thể hơn là “chỉ có cán bộ đảng viên mới có điều kiện tham nhũng chứ dân thường thì làm gì có khả năng tham nhũng”, thế nhưng khả năng phát hiện tham nhũng của chính cán bộ đảng viên rất hạn chế.

Rõ ràng về mặt hiểu biết, nắm rõ các chủ trương, luật pháp liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng chắc chắn cán bộ đảng viên phải hiểu rõ hơn ai hết. Vậy tại sao cán bộ đảng viên lại ít khi trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng - một trong những nguy cơ đã được Đảng xác định là sống còn, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ này? Phải chăng là cán bộ đảng viên ta hoặc vì quá bảo vệ cho bản thân mà không dám đấu tranh, hoặc vì cái gọi là giữ “thanh danh của cơ quan” mà bưng bít, ém nhẹm. Nếu không như thế thì chỉ còn nước xem lại ý thức của cán bộ đảng viên đối với “quốc nạn” này quá thấp, chỉ lo “an thân”, mặc kệ sâu mọt đục khoét cơ quan, đất nước; mặc kệ niềm tin của dân ngày càng bị bào mòn do nạn tham nhũng tác động. Thậm chí có cán bộ còn phản ánh khi phát hiện và lên tiếng về tiêu cực tham nhũng trong nội bộ địa phương mình thì bị những người khác cho là “gây mất đoàn kết nội bộ” hoặc “phá bĩnh”. Thật quá khó!

Cũng phải thấy rằng quyết tâm chính trị lẫn hành lang pháp lý để phòng, chống tham nhũng hiện nay là không thiếu. Nhưng dường như nhiều giải pháp đưa ra còn mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả như mong muốn. Chẳng hạn như việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay được tổ chức rầm rộ nhưng thiếu cơ chế hậu kiểm, xác minh, xử lý nên đã biến nó thành tài liệu cất ở ngăn tủ “chứ không phải là dữ liệu để ngăn ngừa, chống lại tham nhũng” - nói như tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, trong một hội nghị liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng ở TP.HCM mới đây. Mặt khác, các cơ chế thanh tra, kiểm tra nội bộ hiện nay đều có nhưng gần như rất ít khi phát hiện ra tham nhũng. Phải chăng từ những điều này dần dà làm cho cán bộ “lờn thuốc” và “quăng cục lơ” với tham nhũng?

Còn nhớ, rất nhiều lần chúng ta nghe các vị lãnh đạo tuyên bố “không có vùng cấm trong chống tham nhũng” nhưng thực tế diễn ra (ở các cấp độ khác nhau) khiến dư luận đặt câu hỏi sự thật có phải như thế không?

Người dân đang chờ câu trả lời bằng những giải pháp thực tế và hành động quyết liệt để khống chế tối đa “quốc nạn” này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm