Tham nhũng: Án sau lớn hơn án trước

“Án tham nhũng, vụ sau phát hiện càng lớn hơn vụ trước rất nhiều”. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, cho hay tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí 2015 do Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 8-3.

Kê khai tài sản không phải “để hộc bàn”

Tướng Minh đánh giá công tác phát hiện tham nhũng chậm, hệ quả là thu hồi tài sản rất thấp do đã bị tẩu tán trước đó.

Tướng Minh nhìn nhận một số giải pháp chống tham nhũng hiện nay (đưa cả vào luật) là ảo. “Cụ thể là việc kê khai tài sản rất hình thức và ảo” - tướng Minh nói và cho rằng vấn đề ở đây là phải đảm bảo việc kê khai tài sản là dữ liệu để ngăn ngừa phòng, chống tham nhũng chứ bản kê khai tài sản mà chỉ để hộc bàn thì không có ý nghĩa gì cả.

Theo tướng Minh, TP.HCM xử lý tham nhũng rất chậm. Tỉ lệ điều tra, xét xử án tham nhũng rất thấp bởi cán bộ tố tụng rất thận trọng vì đụng chạm đến những đối tượng tham nhũng có hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều vụ án các cơ quan tố tụng trung ương khởi tố rồi chuyển về cho TP xét xử nên rất khó, vụ án kéo dài…

Tướng Minh cũng cảnh báo các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng nhiều như lĩnh vực xuất nhập khẩu; tài chính ngân hàng. Theo tướng Minh, có đến 50% vụ buôn lậu ở TP.HCM đều có bóng dáng hoặc liên quan tới nhân viên hải quan.

Lý giải vì sao án tham nhũng xử chậm, ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, cho hay do các văn bản liên quan không rõ ràng nên chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng. Mặt khác, các dấu hiệu của nhiều tội giống nhau nên khó xử lý. Bên cạnh đó công tác giám định trong nhiều vụ án kéo dài, kết quả trái ngược nên rất khó khăn.

Ông Hải kiến nghị cần phân công các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có đủ trình độ, khả năng để xử lý các vụ án tham nhũng.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: “Phải xử lý ngay cán bộ có dư luận, sai phạm”. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

“Không được hình sự hóa quan hệ kinh tế

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng: “Công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, tham nhũng, lãng phí diễn ra tinh vi, phức tạp hơn. Công tác chống tham nhũng cấp ủy còn yếu. Tiến độ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn chậm. Chưa phát huy tốt vai trò giám sát của cơ quan dân cử, các tổ chức Đảng…”.

Cụ thể, ông Thăng cho biết sáng cùng ngày ông có gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) TP và có DN “tố” hải quan ép họ phải đi kiểm định thép tại một cơ quan được hải quan chỉ định. “Đây có phải là tham nhũng?” - ông Thăng đặt vấn đề.

Ông Thăng cho rằng tham nhũng có thể xảy ra từ các cơ quan ban hành chính sách. Và phòng, chống tham nhũng không phải là công việc hàng xóm. “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện ngay trong chính cấp ủy, nội bộ, cá nhân từng cán bộ” - ông Thăng nhấn mạnh. Ông yêu cầu phải công khai, minh bạch, nhất là trong lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng (ngân hàng, hải quan, thu chi ngân sách, đất đai…).

“Tôi đề nghị phải công khai các khoản chi có thể để người dân, DN giám sát. Và phải xử lý ngay cán bộ có dư luận, sai phạm” - ông Thăng nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu rà soát tổng thể các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cảnh báo, răn đe nhưng không thể hình sự hóa các quan hệ kinh tế để cho DN có niềm tin mà kinh doanh.

Bên cạnh đó cần công khai, mở cửa với báo chí để báo chí là một kênh quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

“Nếu chúng ta vẫn không quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài thì sang năm ta lại ngồi tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng chưa được đẩy lùi” - ông Thăng kết.

“Cán bộ chống tham nhũng mà tham nhũng là không được”

Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Lê Minh Trí cho rằng TP.HCM chưa có tham nhũng lớn có thể do công tác ngăn ngừa, phòng chống tốt hoặc cũng có thể do chưa phát hiện.

Theo ông Trí, vấn đề quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là yếu tố con người, nhất là người đứng đầu phải mạnh dạn xử lý những sai phạm của cán bộ. “Ngay như các cơ quan tố tụng phải nhắc nhở anh em giữ mình thực thi đúng pháp luật. Vì cán bộ mình đi trị “bệnh” tham nhũng mà chính cán bộ vi phạm là không được” - ông Trí nói.

Ông Trí cũng yêu cầu phải xử lý đến nơi đến chốn những tin tố giác tội phạm, trong đó có tin tố giác tội phạm tham nhũng và có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố cáo.

Tham nhũng 2.000 tỉ, thu hồi được 5 tỉ đồng

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, nêu lên con số rất ấn tượng về tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, tổng số tiền thiệt hại bốn vụ án lớn mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đôn đốc chỉ đạo xử lý thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng nhưng thu hồi chỉ được 5 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm