Gian nan thu hồi tài sản tham nhũng

Ngày 20-2, TAND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác TAND hai cấp ở TP.HCM năm 2016. Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo TAND TP cho biết tòa này đã đưa ra xét xử kịp thời các vụ án tham nhũng, tỉ lệ án giải quyết đạt 100%. Tuy nhiên, việc giải quyết loại án được dư luận xã hội quan tâm cũng gặp một số vướng mắc cần được gỡ.

TAND TP.HCM xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt hơn 4.000 tỉ đồng. Ảnh: HOÀNG YẾN

Vừa xử án, vừa kiến nghị sửa luật

Theo thống kê, 10 năm qua Tòa Hình sự (TAND TP) đã thụ lý 169 vụ án tham nhũng với 851 bị cáo và đã đưa ra xét xử 117 vụ. Riêng năm 2015, có 81 bị cáo ra trước vành móng ngựa vì liên quan đến 20 vụ tham nhũng. Số lượng vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND TP liên quan đến tham nhũng không thay đổi đáng kể nhưng số bị cáo ra tòa tăng mạnh. Trong đó, tỉ lệ bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản cao nhất, chiếm gần 70%.

Theo tòa, tội phạm tham nhũng thường lợi dụng sơ hở, lỏng lẻo từ những quy định về quản lý tài sản hoặc quy định chặt chẽ nhưng do cấp trên thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định để phạm tội. Từ thực tế xét xử, TAND TP đã chỉ ra một loạt sơ hở trong hoạt động quản lý của cơ quan các cấp và đưa ra các kiến nghị ngay trong bản án đã tuyên. Cụ thể, ở vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt hơn 4.000 tỉ đồng, tòa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hủy bỏ các quy định huy động vốn có lãi suất ưu đãi (vượt trần). Với quy định này dễ bị lạm dụng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tạo kẽ hở cho một số người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chiếm hưởng cá nhân. Tòa cũng kiến nghị NHNN hủy bỏ các quy định ủy thác đầu tư vốn đối với các tổ chức và cá nhân vì dễ biến tướng thành đầu tư trá hình, rủi ro cao, không bảo toàn vốn, gây lũng đoạn thị trường tài chính tiền tệ...

Cạnh đó, thông qua hoạt động xét xử các vụ án kinh tế, ngân hàng, HĐXX phát hiện ra các hành vi có dấu hiệu phạm tội tham nhũng, từ đó đưa ra kiến nghị xem xét hành vi và trách nhiệm của các cá nhân. Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố để xử lý các đối tượng hoặc kiến nghị khởi tố bổ sung đối với hành vi có liên quan. Trong một số trường hợp cụ thể, HĐXX sơ thẩm đã ra quyết định khởi tố vụ án tham nhũng sau khi xét xử xong các vụ án kinh tế, ngân hàng làm cơ sở để khởi động quá trình điều tra, truy tố để xử lý các tội phạm có liên quan đến các vụ án vừa xét xử xong.

Khó thu hồi tài sản tham nhũng

Các vụ án tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng cơ bản… thì hậu quả vật chất do hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra thường rất nặng nề và được dư luận xã hội quan tâm.

Với mong muốn sớm kết thúc việc điều tra, cơ quan điều tra thường chỉ tập trung vào việc thu thập các chứng cứ liên quan đến việc chứng minh tội phạm của các bị can, bị cáo; chưa chú trọng thu thập chứng cứ để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự (kê biên tài sản, khắc phục hậu quả…) và biện pháp tư pháp (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm…). Thiếu sót này dẫn đến tình trạng kê biên tràn lan, không đầy đủ, thiếu căn cứ pháp luật. Do vậy, tòa án gặp khó khăn trong khâu xác minh, làm rõ và xử lý dân sự trong vụ án tham nhũng cũng như xem xét, quyết định tịch thu, sung quỹ nhà nước tài sản do bị cáo phạm tội mà có.

Tòa Hình sự TAND TP nhấn mạnh để thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có, cần áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi trong từng giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trợ hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng. Và khi xét xử, nếu cần áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định của BLHS thì cần kiên quyết áp dụng bên cạnh áp dụng biện pháp kê biên tài sản...

Cạnh đó, tòa này cũng đề xuất các hành vi tham nhũng phải được quy định thống nhất trong BLHS, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp để gỡ bỏ những khó khăn, vướng mắc trong công tác này phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Nghiên cứu hoàn thành pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn nước ta và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Đẩy mạnh tiến độ xử án tham nhũng

Tại hội nghị, ghi nhận nỗ lực của TAND hai cấp của TP, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh lãnh đạo, thẩm phán, cán bộ tòa án của TP phải trau dồi thêm kiến thức luật pháp quốc tế; tăng cường tranh tụng tại tòa. TAND TP tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xử lý các loại tội phạm tham nhũng, đặc biệt là chống tham nhũng nội bộ…

Chánh án Trương Hòa Bình cũng lưu ý một số loại tội phạm và tranh chấp có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới. Đó là các hành vi phạm pháp hình sự và tội phạm xuyên quốc gia; các tranh chấp dân sự, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại quốc tế.

Từ đó, chánh án yêu cầu hai cấp tòa của TP.HCM phải khẩn trương và chú trọng việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đội ngũ thẩm phán cần được đào tạo và đào tạo lại kỹ càng để giải quyết tốt các loại án này.

 

Sẵn sàng tham gia quá trình hội nhập

Gian nan thu hồi tài sản tham nhũng ảnh 2
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (giữa) trao huân chương Lao động cho các cá nhân. Ảnh: HOÀNG YẾN.

Tại hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình kỳ vọng với lợi thế của mình, TAND hai cấp của TP.HCM phải là nơi cung cấp cho hệ thống tòa án những cán bộ, thẩm phán có đủ năng lực, trình độ để tham gia quá trình hội nhập. Tòa phải giải quyết tốt các tranh chấp quốc tế, kể cả về các vụ kiện liên quan đến công pháp quốc tế liên quan về biên giới, biển đảo, lãnh hải, vùng trời, vùng kiểm soát bay… Khi được Đảng, Nhà nước phân công, tòa cũng sẽ tham gia tốt các định chế tư pháp, tài phán quốc tế.

Dịp này, Chánh án Trương Hòa Bình đã trao huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba của Chủ tịch nước cho bốn cá nhân. TAND Tối cao cũng trao cờ thi đua cho ba tập thể; công nhận 16 thẩm phán đạt danh hiệu Thẩm phán giỏi. Ngoài ra, có sáu tập thể, cá nhân được Thủ tướng tặng (một) cờ thi đua và (năm) bằng khen.

Tiêu điểm

Có thẩm phán phải “cõng” 25 vụ án/tháng

Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM, cho biết năm 2015, hai cấp tòa thụ lý 57.016 vụ án các loại, giải quyết 54.563 vụ (đạt tỉ lệ gần 96%). Công tác giải quyết, xét xử có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tòa án hai cấp của TP chưa khắc phục triệt để tình trạng án quá hạn, tạm đình chỉ. So với năm 2014, lượng án quá hạn giảm 375 vụ.

Việc tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tính chất tranh chấp ngày càng phức tạp, không ít cơ quan, tổ chức không làm hết trách nhiệm khi phối hợp công tác... Nhưng vấn đề mấu chốt là do lượng thẩm phán chưa đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Bình quân một thẩm phán phải giải quyết tám vụ việc/tháng, vượt bốn vụ/tháng so với định mức TAND Tối cao đề ra, có thẩm phán phải giải quyết 17-25 vụ/tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm