Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém

Sáng nay (22-3), tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình đã bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Cùng với những kết quả đạt được trong nhiều mặt, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế yếu kém trong công tác điều hành, quản lý trong nhiệm kỳ qua. 

Năng lực dự báo còn hạn chế 

 Về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng chỉ rõ: Năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời. Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao. 

Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí.

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Việc phát triển thị trường trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, nhất là những thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do, đấu tranh với những rào cản thương mại quốc tế hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn nhiều hạn chế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày  Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội sáng ngày 22-3.  Ảnh: Chinhphu.vn 

Chậm sửa đổi, bổ sung và thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động, sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư ngoài nhà nước. Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp, cải thiện còn chậm. Năm 2015 tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 nhưng bình quân cả nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kế hoạch. 

Việc thực hiện các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực gắn với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nhiều mặt còn hạn chế. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa đồng bộ, nhiều mặt còn hạn chế, nhất là điều tra cơ bản và quy hoạch sử dụng tài nguyên; quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn nước; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề, lưu vực sông, ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại; phát triển hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ rừng và hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Chưa có chính sách khuyến khích mạnh sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên vật liệu thân thiện môi trường. Năng lực dự báo và nguồn lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu… 

Một số dự án luật xin lùi, xin rút

Về xây dựng và thực thi pháp luật, báo cáo cho hay việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật trong một số trường hợp còn chậm, lúng túng; vẫn còn một số dự án luật phải xin lùi, xin rút. Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật trong một số trường hợp thiếu đồng bộ, chất lượng thấp, tính khả thi chưa cao. Thẩm định một số văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu tính tổng thể. Chưa chú trọng đúng mức việc đóng góp, tiếp thu ý kiến, giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng và thực thi pháp luật. Tuyên truyền giáo dục pháp luật và chuẩn bị các điều kiện thực thi hiệu quả chưa cao.

 Về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa thật tinh gọn, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo, chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân. Tổ chức và hoạt động của chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo chậm đổi mới phù hợp với đặc thù. Vẫn còn những hạn chế trong phân cấp quản lý kinh tế, xã hội; chỉ đạo phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Việc hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức có mặt còn hạn chế, bất cập. Quản lý viên chức chưa đồng bộ với cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác thi đua, khen thưởng ở một số nơi chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng, hiệu quả còn thấp.

Thủ tướng cũng nhìn nhận việc lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều hạn chế. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.

Việc lãnh đạo, quản lý bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội trên một số mặt, một số địa bàn còn hạn chế. Việc nắm tình hình và năng lực dự báo chiến lược; bố trí nguồn lực; gắn kết nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội; phát triển công nghiệp quốc phòng; công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Bảo vệ chủ quyền biển đảo còn nhiều khó khăn, hạn chế… 

"Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn chưa đủ rõ..."

Những hạn chế, yếu kém trên đây do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo Thủ tướng nguyên nhân chủ quan chủ yếu là: Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội có mặt chưa phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế, nhất là năng lực xây dựng và thực thi thể chế pháp luật, cơ chế chính sách…  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm