Liệu lợi ích nhóm có đang lũng đoạn chính sách?

“Bộ trưởng nào thay đồng chí Vinh (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh) phải tiếp tục tham mưu cho Quốc hội (QH), Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, vì nó đang cản trở sự phát triển ghê gớm” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc phát biểu khi QH thảo luận tổ cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội sáng 24-3.

Bộ trưởng phàn nàn quyền hạn có mức độ

Dẫn chứng cho việc “thể chế đang cản trở sự phát triển”, ông Phúc cho hay một số bộ trưởng phàn nàn quyền hạn giao cho họ chỉ có mức độ. “Được giao nhiệm vụ tư lệnh ngành nhưng bộ nói địa phương rất khó vì bộ trưởng là ủy viên trung ương, “ông” địa phương cũng thế. Nếu không phù hợp với lợi ích của địa phương, lãnh đạo cấp sở thậm chí còn phản ứng cả bộ trưởng. Trước đây bổ nhiệm giám đốc sở còn có ý kiến của bộ trưởng, giờ chẳng cần, chủ tịch tỉnh quyết hết. Bộ trưởng là tư lệnh ngành, phải chịu trách nhiệm trước QH, trước Chính phủ thì phải có quyền lực thực tế” - ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, việc phân cấp quá mạnh cho địa phương trong một số lĩnh vực khiến trung ương khó quản lý. Địa phương có thể phản đối nhưng thật sự có những lĩnh vực nên phân cấp hoàn toàn cho địa phương, ngược lại có lĩnh vực không nhất thiết.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Lợi ích nhóm ở đâu? Mức độ nào? Vì sao nói mà không chỉ ra được nhóm nào?”. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Lo lắng người dân giảm sút niềm tin

Trong khi đó, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) lại tâm tư về vấn đề lợi ích nhóm. “Nghị quyết Trung ương 4 đề cập rất nhiều về lợi ích nhóm. Vậy lợi ích nhóm ở đâu? Mức độ nào? Vì sao nói mà không chỉ ra được nhóm nào?” - bà Tâm nêu hàng loạt câu hỏi.

“Liệu lợi ích nhóm có đang lũng đoạn chính sách không? Thậm chí, nhiều người đặt câu hỏi có phải lợi ích nhóm đang len lỏi, chi phối đến cả QH? Vậy các nhà làm chính sách có nhận diện được lợi ích nhóm khi làm luật hay không? Tôi rất trăn trở điều này. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến chúng ta không tiếp thu sáng kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, ĐBQH và người dân?” - bà Quyết Tâm nói.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bổ sung, Hiến pháp 2013 nêu rõ người dân có quyền thay thế lãnh đạo yếu kém nhưng thực tế quyền này rất yếu ớt. “Từ cấp xã, huyện đều biết quan chức nào tham nhũng, biết đằng sau đó là “bóng” của lãnh đạo nào... nhưng khiếu nại, tố cáo quá phức tạp khiến dân nản. Lợi ích nhóm ở đây chứ đâu!” - ông Nghĩa bức xúc.

Bà Quyết Tâm cho hay rất lo lắng về câu chuyện giảm sút niềm tin của người dân. “Sự giảm sút niềm tin biểu hiện ở việc các nghị quyết cũng như chính sách pháp luật chưa đồng bộ, nói chưa đi đôi với làm. Năm nào chúng ta cũng đánh giá niềm tin giảm sút nhưng giảm sút bao nhiêu thì không ai đánh giá, cứ thế năm này qua năm khác. Trong những lãng phí, lãng phí nguy hiểm nhất là lãng phí niềm tin của dân” - bà Quyết Tâm kết luận.

Quy định mập mờ chẳng khác nào gài bẫy dân

Quy định về thông tin không được tiếp cận tại Điều 6 (dự thảo luật) giống như gài bẫy người dân. Các cơ quan có tránh nhiệm cung cấp thông tin có thể lợi dụng những quy định này để từ chối cung cấp, nhiều ĐBQH nhận xét như trên khi thảo luận về dự án Luật Tiếp cận thông tin.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích: Điều 6 dự thảo luật quy định các thông tin người dân không được tiếp cận gồm: tin bí mật nhà nước, tin bí mật công tác, thông tin về các cuộc họp nội bộ, các tài liệu do cơ quan, tổ chức, đơn vị soạn thảo cho công việc nội bộ, thông tin mà nếu tiếp cận sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội... “Quy phạm pháp luật phải cụ thể, rõ ràng để người dân biết phải đi thế nào, đi chỗ nào và đâu là vùng cấm. Không nên quy định mập mờ khiến người dân không xác định được hướng phải đi” - ông Vinh nhấn mạnh.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị dự thảo luật phải làm rõ các thuật ngữ thông tin nội bộ, bí mật công tác, thông tin của chuyên gia… để vạch rõ ranh giới pháp lý giúp người dân dễ nhận biết thông tin được tiếp cận và không được tiếp cận. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) còn phát biểu nên liệt kê tất cả danh mục thông tin bí mật ngay trong luật này.

TRỌNG PHÚ

Một nông dân “cõng” bốn ông công chức

Nợ nước ngoài, bội chi ngân sách ngày càng tăng. Trong đó ngân sách chi thường xuyên chiếm số lượng lớn. Cụ thể chi thường xuyên khối hành chính lên đến 400.000 tỉ đồng so với thu ngân sách chỉ 1 triệu tỉ đồng, nếu tăng lương sẽ tiêu hết số ngân sách này. Thu ngân sách không đủ nuôi bộ máy hành chính nhà nước. Đây là vấn đề rất nguy hiểm.

Bộ Chính trị có chủ trương giảm biên chế là đúng đắn nhưng giảm thế nào? Các đề án được đưa ra xin cấp này thẩm định, cấp kia phê duyệt, riêng thủ tục cắt giảm cũng đủ nhiêu khê rồi.

Theo tôi, chúng ta cần giao chỉ tiêu giảm cụ thể cho từng cấp ngành, trung ương bao nhiêu, khối hành chính sự nghiệp bao nhiêu. Chẳng hạn năm nay giảm 1.000 người, năm sau số giảm tăng lên 2.000 là được thôi.

Đặc biệt, chúng ta cần chống tham nhũng trong bộ máy công chức nhà nước một cách có trọng tâm, trọng điểm thì mới chấn chỉnh được bộ máy phía dưới. Người đứng đầu phải là tấm gương thì bộ máy giúp việc dưới quyền mới nghiêm. Một ông nông dân phải “cõng” bốn ông công chức béo thì nguy lắm!...

ĐB ĐỖ VĂN ĐƯƠNG, Ủy viên Ủy ban Tư pháp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm