Nhiều năm nay, hàng ngàn hộ dân sống xung quanh rạch Xuyên Tâm (nối từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp) phải ăn, ngủ ngay dòng kênh hôi thối, lúc nào cũng tràn ngập rác thải, chuột bọ, dịch bệnh tiềm ẩn.
Nỗi lòng suốt nhiều năm
Khảo sát trực tiếp tại rạch Xuyên Tâm, chúng tôi ghi nhận dòng kênh có chiều dài hơn 6 km, có ba tuyến nhánh dài gần 2 km. Đầu kênh Xuyên Tâm nối liền với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được trang bị một dây phao chặn, ngăn dòng rác đổ về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cũng bắt đầu từ đây đủ loại rác thải tràn ngập khắp bề mặt rạch, len lỏi ngay dưới sàn những ngôi nhà hai bên rạch. Dọc theo bờ rạch Xuyên Tâm, rác thải được gom lại thành những bãi tập kết, bốc mùi nồng nặc suốt một đoạn đường dài.
Khoảng 12 giờ trưa khi thủy triều xuống, rạch Xuyên Tâm lộ hẳn ra là một bãi chứa rác khổng lồ khi hàng tấn rác, xác động vật, chuột, gỗ mục… dưới lòng kênh phơi mình trong nắng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Liên, một người dân trong khu vực, chia sẻ: “Tôi sống ở đây 50 năm rồi, chỉ được vài năm đầu là rạch sạch sẽ, nước trong vắt, nay thì dơ không thể tả nổi. Ở nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa, bước ra là rác ập vào mặt, mùi hôi thối quanh năm suốt tháng. Không có điều kiện đi nơi khác nên chúng tôi đành cam chịu, chỉ mong địa phương có giải pháp để con rạch này bớt rác, người dân ý thức hơn đừng xả rác nữa”.
Theo người dân ở đây, khoảng năm năm trước còn có xuồng đi vớt rác nhưng gần đây không thấy nữa, rác thải cứ thế tồn đọng. Sống ngay con rạch ô nhiễm nhất thành phố, người dân, nhất là trẻ nhỏ thường xuyên bị bệnh đường ruột, sốt xuất huyết, bệnh hô hấp mà không thể làm gì khác hơn.
Bà Lê Thị T. (60 tuổi) là một trong số ít hộ dân đồng ý giải tỏa mặt bằng để rạch Xuyên Tâm được cải tạo, xây dựng lại nói: “Gia đình tôi buôn bán, có thể sẽ mất thu nhập nhưng tôi sẵn sàng giải tỏa, chỉ mong con rạch được sạch đẹp hơn chứ bây giờ ai cũng khổ quá”.
Cuộc sống đầy khó khăn của người dân ven rạch Xuyên Tâm. Ảnh: THÁI NGUYÊN
Dự án sắp được triển khai
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đầu tiên được thành phố phê duyệt vào tháng 5-2002. Thế nhưng đến nay mọi kế hoạch vẫn còn nằm trên giấy. Mới đây, UBND TP.HCM lại phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) từ năm 2015 đến 2022. Tuy nhiên, phần cải tạo hệ thống rạch Xuyên Tâm đang bị dừng lại khiến tình hình ô nhiễm càng thêm trầm trọng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự án nạo vét rạch, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm do Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm thực hiện. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh báo cáo tóm tắt phương án thiết kế để Sở tổng hợp, tham mưu UBND TP thẩm định phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên, dự án gặp khó khăn rất lớn trong vấn đề giải phóng mặt bằng vì khối lượng bồi thường quá lớn, phạm vi dự án liên quan đến cả hai quận là Bình Thạnh và Gò Vấp. Do đó, khi triển khai sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân xung quanh dự án.
Trong thời gian chờ đợi, UBND TP đã chỉ đạo giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước hướng dẫn UBND các quận/huyện đăng ký kế hoạch vốn, phân cấp kinh phí nạo vét, duy tu hệ thống kênh rạch trên địa bàn các quận/huyện.
Hiện UBND quận Bình Thạnh, Gò Vấp đang thực hiện các thủ tục đăng ký kế hoạch vốn, kinh phí nạo vét, duy tu rạch Xuyên Tâm theo chỉ đạo trên của thành phố.
Địa phương vận động không xả thêm rác Theo ông Nguyễn Huy Nghị, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Bình Thạnh, thời gian qua, phường đã thực hiện nhiều đề án nâng cao nhận thức môi trường cho các hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Từ đó hướng đến việc giáo dục người dân bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen vứt rác xuống rạch, không xây dựng lấn chiếm rạch gây cản trở dòng chảy, đổ rác sinh hoạt đúng theo quy định. Phường đã trao tặng hơn 600 thùng rác cho các hộ dân ở đây, giải tỏa nhà vệ sinh có ống thải trực tiếp ra kênh rạch và ngăn chặn kịp thời bốn hành vi xây dựng lấn chiếm kênh. “Việc xả rác xuất phát từ ý thức của người dân còn kém, do đó phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp vận động người dân địa phương cùng chính quyền tự thu gom rác tại nơi mình sinh sống để hạn chế gia tăng rác thải” - ông Nghị nói. |