Mở đường, phải cứu được rạch Xuyên Tâm

Sống trong cảnh ô nhiễm, muỗi mòng, ngập nước triền miên nên thông tin về dự án mở đường lớn dọc rạch Xuyên Tâm (TP.HCM) được người dân hai bên tuyến rạch này đón nhận khá hồ hởi.

 Ít nhất cũng như Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Anh Trần Xuân Trình, nhà gần cầu Băng Ky (phường 11, quận Bình Thạnh), cho biết đoạn rạch Xuyên Tâm gần nhà anh nước lúc nào cũng đen kịt, muỗi mòng nhiều vô kể. Do đó khi biết về dự án mở đường dọc rạch Xuyên Tâm, gia đình anh rất vui mừng.

“Hiện nay địa phương chưa có thông báo về phương án giải tỏa, bồi thường. Tuy nhiên, nếu rơi vào diện phải di dời, gia đình tôi cũng vui vẻ chấp thuận. Tất nhiên, giá cả bồi thường phải thỏa đáng. Hy vọng tuyến rạch này sẽ được cải tạo giống tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” - anh Trình bày tỏ.

Chủ một căn nhà xập xệ, sát rạch Long Vân (thuộc tuyến rạch Xuyên Tâm) bộc bạch: “Sống trong cảnh ô nhiễm, muỗi mòng triền miên chẳng ai muốn nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ như thế. Nếu Nhà nước muốn giải tỏa để mở đường, cải tạo rạch thì mình phải chấp nhận di dời thôi. Chỉ mong TP có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng để người dân có chỗ tái định cư khang trang, cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ngày 26-2, nguồn tin từ Sở GTVT TP.HCM cho hay báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (do Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm thực hiện) đang sắp hoàn tất, có thể trình UBND TP trong vài ngày tới. Theo khảo sát ban đầu, có hơn 1.620 căn nhà bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Số tiền ước tính để giải phóng mặt bằng hơn 1.100 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi có dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi, Sở GTVT TP có tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp này, nhà đầu tư đề xuất không thực hiện chức năng giao thông thủy cho tuyến rạch Xuyên Tâm. Theo đó, tuyến rạch được để hở với cắt ngang 10-25 m. Những đề xuất này được lãnh đạo Sở GTVT TP ghi nhận và cho rằng có cơ sở để thực hiện.

Ngoài việc mở đường hai bên rạch Xuyên Tâm, phải chú trọng đến việc khôi phục rạch, tính toán kỹ phương án giao thông thủy. Ảnh: TRUNG THANH

Phải tính kỹ bài toán giao thông

Vậy việc bỏ chức năng giao thông thủy trên tuyến rạch Xuyên Tâm có hợp lý không?

TS Phạm Sanh (chuyên gia về giao thông đô thị) cho rằng rạch Xuyên Tâm hiện nay không có tàu bè đi lại nên chức năng thoát nước và trữ nước điều hòa là chính. Tuy nhiên, tuyến rạch này vẫn có thể thực hiện chức năng giao thông theo hình thức du lịch hay thể thao giải trí.

TS Phạm Sanh phân tích thêm: “Theo kinh nghiệm của các nước, việc cải tạo kênh rạch nên dự báo có nhu cầu thuyền nhỏ qua lại, ít ra là thuyền du lịch hoặc các hoạt động văn hóa thể thao dưới nước. Vì vậy khi làm các cầu qua rạch Xuyên Tâm phải giả định có thuyền bè qua lại và cần tính toán kỹ chiều cao thông thuyền theo các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế cầu hiện hành”.

Theo TS Phạm Sanh, về phương án giao thông, khi mở đường dọc rạch Xuyên Tâm với chiều dài 8 km, mỗi bên rộng 4-6 làn xe nên chắc chắn tuyến đường mới này sẽ có chức năng của trục đường chính cho khu vực, góp phần giảm kẹt xe cho TP. Do đó cần phải nghiên cứu tính toán giao cắt lâu dài với các tuyến đường lớn như Bạch Đằng, Bùi Đình Túy, Chu Văn An, Nơ Trang Long, Nguyễn Xí, Phạm Văn Đồng, Lương Ngọc Quyến (đường sắt quốc gia)... Bên cạnh đó, phải chú ý việc xây dựng mới và chỉnh trang các khu đô thị dọc kênh sẽ phát sinh nhu cầu giao thông mới, lớn hơn nên phải được mô phỏng dự báo khoa học chính xác.

Không nên bỏ chức năng giao thông thủy

Tuyến rạch Xuyên Tâm trước đây rất rộng, ghe thuyền chạy từ sông Vàm Thuật vào rạch Xuyên Tâm rồi ra ngõ Nhiêu Lộc - Thị Nghè rất dễ dàng. Sau này, do rạch bị bồi lấp, lấn chiếm nên chức năng giao thông thủy mới bị hạn chế. Do đó nếu cải tạo thì phải hoàn trả diện mạo của tuyến rạch trước đây.

Chúng ta cần phải thay đổi tư duy nhìn kênh rạch ở góc độ về kinh tế đường thủy và mỹ quan đô thị. Nếu chỉ cải tạo theo hướng mở đường ven kênh rạch mà không chú trọng đến giao thông trên kênh rạch cũng như không gian sông nước thì rất uổng phí.

Tôi thấy nhiều nước, như Thái Lan chẳng hạn, những tuyến rạch như cỡ rạch Xuyên Tâm họ tổ chức giao thông theo kiểu “buýt đường thủy” rất tốt, du lịch nhờ đó cũng phát triển theo. TP.HCM có mạng lưới kênh, rạch rất thuận lợi, tại sao chúng ta lại không tận dụng để phát triển giao thông thủy và du lịch sông nước.

Kỹ sư LÊ THÀNH CÔNG, người có nhiều năm
nghiên cứu về hệ thống kênh, rạch ở TP.HCM

_________________________________

Xem lại chức năng chống ngập

Một kỹ sư từng tham gia nghiên cứu dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm hơn 10 năm trước, cho biết trước đây tuyến rạch này nhiều đoạn rộng hơn 50 m, sau đó bị bồi lấp, giảm xuống còn 30-40 m. Với mặt cắt rộng như thế, rạch có nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống ngập rất tốt. Do đó, nếu cải tạo với phương án chỉ để hở với tiết diện chỉ 10-25 m là quá nhỏ, có thể sẽ gây khó khăn cho công tác chống ngập sau này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm