Khi chúng tôi, vẫn những gã đàn ông cần mẫn của đại gia đình bé nhỏ đang hối hả cà phê để bàn chuyện khủng hoảng di cư ở châu Âu, nạn đói kinh niên ở châu Phi hay giá xăng vừa tăng ở trong nước… thì vâng đàn bà, vẫn là đàn bà đang than mình khổ.
Mà đàn bà có khổ thật không? Ô hay, chúng tôi, những gã đàn ông đang ngồi đây đều nhất trí đồng tâm không hề run sợ mà khẳng định rằng: Đàn bà rất là khổ.
Đàn bà là mẹ ta, người đã sinh ra ta qua những cơn đau quằn quại, là người vất vả nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Nhạc sĩ Phú Quang đã cho ra đời một tác phẩm có tên MẸ trong đó có câu rằng: “Mẹ là người đầu tiên, là người đàn bà mãi mãi, không bao giờ phản bội”.
Đàn bà sẽ là chị ta, người đã phải bế bồng ta những ngày thơ bé, là người ta mỗi dịp hết tiền đều chăm chỉ hỏi chị có khỏe không… và đàn bà đó là vợ ta, mà vợ ta người gánh vác cho ta từ chuyện cơm nước bé mọn đến quản trị ngân khố gia đình. Từ đối nội là dạy chồng chăm con đến đối ngoại là hỏi han thăm hỏi nhà chồng, niềm nở với bạn bè của chồng.
Đàn bà khổ, đàn bà xứ ta càng khổ. Tôi tin vậy. Nhưng xin thưa đàn bà còn là những người ưa than thở. Họ tưởng rằng chúng tôi, những thằng đàn ông vai u thịt bắp không dám khóc mỗi khi buồn, những người chỉ biết rên xiết trước nhan nhản những ngày lễ phải tặng quà…. Các chị nghĩ chúng tôi là những người không khổ. Chúng tôi khổ lắm, khổ vô cùng.
Đàn bà muôn đời truyền kiếp đều thù hận những gã chồng ham nhậu nhẹt. Chúng tôi nào có sung sướng gì đâu, đàn bà hãy trải qua những cơn say, tỉnh dậy trong những hơi men chếnh choáng để biết thế nào là ngậm đắng nuốt cay. Chúng tôi ập vào nhậu cũng như đàn bà ập vào mua sắm. Đàn bà chỉ cần một cái bánh hay gói hướng dương là có thể kể khổ về chồng, chúng tôi thì cần đến một mâm nhậu mà cũng không dám kể khổ về vợ. Trong các chủ đề được đưa ra để buôn, vợ trong mâm nhậu luôn hiện lên với đầy rẫy niềm tự hào. Còn đàn bà, một chị sẽ bĩu môi: Lão chồng nhà tao nó bẩn như hủi ấy, bà khác bổ sung: Còn lão chồng nhà tao thì nó sạch đến kinh người, sạch không chịu được. “Đã thế hắn lại ham nhậu và mê game nữa chứ”, một đàn bà khác bổ sung. Chúng tôi vẫn bị các chị “nhậu” trong những tiệc buôn còn gì.
Chúng tôi khổ lắm, khổ vô cùng. Ảnh minh họa
Trong nhà tôi luôn nhường nhịn để vợ tôi làm những việc nhỏ tùy theo sức của mình, còn những việc lớn hơn tôi luôn dang tay giành lấy (tiếc thay từ khi lấy nhau đến giờ chưa có việc nào thật sự lớn để tôi làm). Đàn bà là những cái máy nói, trời ơi, họ nói đi nói lại một chủ đề cứ như thể cái gã đàn ông ngồi trước mặt là sa mạc bao la và họ là những đợt mưa bát ngát tưới bao nhiêu cũng được vậy. Chúng tôi phải cam chịu để nghe, thỉnh thoảng còn phải tỏ ra hào hứng tham gia vào câu chuyện nữa. Mà toàn những chuyện tào lao công sở nho nhỏ đàn bà. Trong khi thế giới đang nhiều chuyện phải lo, chiến tranh, khủng bố, bọn IS hoành hành. Trong nước thì vật giá leo thang, kinh tế chưa khởi sắc, công ty chúng tôi vẫn làm ăn thua lỗ thì nàng lại chưa một lần đề cập. Đàn bà là cái máy nói nhưng đàn bà có bao giờ là cái máy nghe như chúng tôi đâu.
Đàn bà thường quở trách chúng tôi vì lỡ mua một thứ đồ đắt tiền nào đó nhưng đàn bà có thể bê vác về để chật tủ những thứ quần áo, giày dép ngang tiền tiêu vặt của chúng tôi trong vòng một tháng mà đàn bà dè sẻn cấp cho.
Đàn bà nhiều thứ phải lo, đàn ông chúng tôi phải lo nhiều thứ. Chúng tôi không dám về nhà muộn vì sợ vợ phiền, chúng tôi khi gác chân lên ghế xem tivi và chuyển kênh thỉnh thoảng vẫn sợ đàn bà lúi húi trong bếp cô đơn nên vẫn phải ném về phía đó mấy câu đong đưa.
Theo Hồ Đại La (Khám phá)