Đàn ông gìn giữ ’trinh tiết' dễ bị rối loạn sau khi kết hôn

Ở thời trung cổ, người ta đã chế tác ra một công cụ gọi là Đai trinh tiết (khóa trinh tiết) thường được ví von là "công cụ canh giữ lòng tin" thời xưa. Mọi người thường nghĩ chỉ có phụ nữ mới cần "đai trinh tiết" nhưng thật ra nam giới cũng có loại đai này. Đai trinh tiết dành cho nam được được sử dụng phổ biến tại các nước phương Tây và phần lớn họ là những con chiên ngoan đạo muốn chứng minh lòng trung thành của mình trước Chúa nên tự nguyện đeo đai trinh tiết.

Ngày nay, những người thanh niên tham gia vào chương trình giữ gìn trình tiết này ban đầu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ công chúng. Đời sống không tình dục trước khi chính thức kết hôn cho họ nhiều thời gian hơn để tập trung học tập, làm việc.

 Một chiếc đai trinh tiết cổ xưa được tìm thấy ở Ý

Những người này nhận được một “giáo trình” nghiêm ngặt từ giáo hội rằng tình dục ngoài hôn nhân là một hành vi tội lỗi, đáng bị lên án (bao gồm cả việc quan hệ trước hôn nhân và ngoại tình). Họ được mặc định rằng tình dục chỉ đem lại hạnh phúc, ý nghĩa thiêng liêng khi được thực hành với vợ của mình. Những tưởng đây là một cách hành xử tốt đẹp. Thế nhưng, rắc rối bắt đầu phát sinh khi những người thanh niên trong chương trình này lần lượt kết hôn.

Trong cuộc Hội thảo mới đây của Hiệp hội Xã hội học Mỹ, nhà nghiên cứu Sarah Diefendorf của đại học Washington ở Seattle cho biết việc gìn giữ trinh tiết ở người đàn ông xem ra lợi bất cập hại. 

Bà Diefendorf bắt đầu các cuộc phỏng vấn của mình từ năm 2008 với đối tượng là những nhóm nam giới sinh hoạt trong các câu lạc bộ ở nhà thờ. Các câu lạc bộ này có những hình thức để giáo dục hội viên “giữ mình” rất hiệu quả. Họ thường xuyên sinh hoạt hội nhóm, mỗi nhóm khoảng 15 người, trao đổi với nhau về cách đấu tranh chống lại cám dỗ cũng như cách tránh xa các văn hóa phẩm có thể dẫn dắt họ “lạc lối”.

 Nhẫn trinh tiết, một món đồ ưa dùng của thanh niên phương Tây để tự nhắc nhở mình giữ gìn

“Họ trò chuyện rất cởi mở và có phương pháp riêng để đảm bảo mỗi thành viên sẽ tuân thủ nguyên tắc của nhóm”, Diefendorf  nói.

6 năm sau, khi bà Diefendorf quay trở lại gặp những quý ông này, 14 trong số 15 thành viên đã lập gia đình, họ vẫn là bạn thân nhưng bây giờ câu chuyện của họ hoàn toàn không nói tới tình dục nữa.

“Đây cũng là một tôn chỉ của nhóm. Họ có thể nói về nó trước hôn nhân, nhưng khi đã có vợ, đó sẽ là vấn đề phải giữ kín”, Diefendorf cho biết. Và đây chính là tai họa.

Hầu hết những người đàn ông này đều khuôn mẫu đến nỗi họ cho rằng bây giờ nếu thảo luận nhiều về tình dục là không phù hợp và thiếu tôn trọng vợ.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi chính họ nhận thấy bản thân gặp khó khăn, thậm chí vế tắc khi đề cập đến chủ đề này với người phối ngẫu. Nhiều người bức xúc thực sự vì họ có những nhu cầu chưa được thỏa mãn và không tìm ra phương pháp nào để giải tỏa khi mà không thể mở miệng. Họ muốn có sự hướng dẫn tỉ mỉ hơn về tình dục sau hôn nhân nhưng lại vướng vào nếp suy nghĩ đã hình thành từ trước và sự khống chế từ các điều luật tâm linh nên đành “chôn kín niềm đau”.

Trước khi kết hôn, mọi thứ đều có vẻ đơn giản và trong sáng, nhưng sau khi kết hôn nếu vẫn trong sáng và đơn giản như vậy thì họ lại cảm thấy không ổn.

“Kết quả cuối cùng là dù cuộc hôn nhân của họ có thể được hạnh phúc, họ mạnh khỏe và nhìn chung là ổn trên tổng thể. Nhưng riêng đời sống tình dục thì họ gặp phải rất nhiều khó khăn và lúng túng”, Diefendorf nói. Điều này, theo bà sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như hạnh phúc lứa đôi của những người đàn ông đã kiên định giữ “cái ngàn vàng” cho đến cùng.

Tất nhiên, những kết quả trên đây tạm thời chỉ nên hiểu là đúng trong phạm vi cuộc điều tra này nhắm tới, nghĩa là nói riêng trong xã hội phương Tây mà thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm