Đàn ông yêu lại vợ cũ

Mẹ là hằng số không đổi, còn vợ là biến số thỉnh thoảng đổi. Vì là số biến đổi, nên hiển nhiên vợ có mới có cũ. Ở trong một cách hiểu đẫm đầy cay đắng của dân gian Việt, thì “vợ cũ” là người từng song hành cùng đàn ông trên một chuyến đò.

Bất hạnh thay, chuyến đò đời đấy không suôn sẻ. Bởi khi đò đang trôi dở, bỗng hoặc chàng hoặc nàng, với những lý do nồng nặc mùi đúng đắn, tự cho mình nhảy thoát ra khỏi. Đó là chưa kể, có những người đen đủi tới mức, bị kẻ cùng thuyền ngấm ngầm đạp rơi xuống. Thường ở lúc ấy, đò loay hoay bập bềnh mất định hướng. Thậm chí có những chuyến chìm hẳn. Có vài đàn ông được Chúa thương, vẫn kịp bơi vào bờ, nhưng thần sắc rũ rượi giống hệt thằng chết trôi.

Rồi mọi sự cũng mỏi mệt qua. Sau một thời gian dài bải hoải, thằng chết trôi tự an ủi hồi sức bằng cách ra bến sông đời gọi đò mới. “Cứ gõ thì cửa mở”, Kinh Thánh bảo vậy. Vài con đò rách nghe tiếng gọi thảm thiết thất thanh đã dừng lại. Đàn ông háo hức lên thuyền lâng lâng phiêu lưu. Và chẳng chóng thì chầy cũng nhận ra là mình đã sai lầm, đã vội vã. Thà chết mẹ nó trôi còn hơn. Bởi vợ mới sao mà cũng giống hệt vợ cũ.

Cũng ngần ấy thứ đặc sản tinh hoa chỉ riêng đọng cặn ở đàn bà. Cũng tần ấy những chuyện dung tục lặp đi lặp lại. Đàn ông một mình thở dài bơ vơ nhìn sông, phong độ hao hao như tư lự triết gia “trí giả nhạo thủy”. Kinh nghiệm bán lẻ thị dân dạy, giữa những cái xấu hãy chọn cái xấu ít nhất. Nhiều đàn ông rưng rưng chợt nhớ lại về vợ cũ.

Thực ra cái câu tưởng như là thành ngữ cổ “tình cũ không rủ cũng tới”, thì cũng chỉ là cách nói tha hóa từ vài mươi năm gần đây. Nếu sớm nhất cũng vào khoảng cái hồi tiểu thuyết diễm tình của Tự Lực Văn Đoàn đang thịnh.

Vì ở xa xưa người Việt, trước khi đến với hôn nhân, người ta thường trong trắng không yêu nhau. Kiều chưa ra ủy ban đăng ký đã trèo tường sang nhà Kim Trọng là chuyện bịa. Nhỡ có thật thì cũng bị xã hội nghiêm khắc cấm. “Đàn ông chớ kể Phan Trần. Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”. Thành vợ thành chồng là tuyệt đối nhờ mối manh từ duyên giời định. Tình đầu là vô cùng hiếm, huống nữa là tình cũ.

Mãi đến khi người Pháp nham hiểm thực dân đem lãng mạn vào. Đem cả vô số giả dối của cái mô hình tưởng như đạo đức “một vợ một chồng” vào, phong trào bình đẳng giới ồ ạt thành thời thượng. Gia đình phong kiến kiểu cũ, mà trong đó có tục đa thê, bỗng dưng nát bét. Nhiều “hiền thê” sau khi vô tình nếm trái cấm của sự biết, đã khôn ra, mơ màng nghĩ. Mađam Eva không biết ngoại tình là do ở thiên đường lúc đó chỉ “nhõn” một mình “thằng” Adam. Quả là không ngoa khi có một thời, sách giáo khoa cả hai miền Nam - Bắc đều phẫn nộ lên án, bọn xâm lược Pháp đã đẩy dân ta vào cảnh “nhà tan nước mất”.

Đi tìm lại vợ cũ không khó, khó nhất là yêu lại. Những thứ đã nhè ra rồi lại nuốt đòi hỏi cả đôi thực khách một “gu” ẩm thực chân thành nhẫn nại đầy thương yêu. May mắn thay, trong khi các thiếu phụ khác rầm rập sa ngã thì vợ cũ vẫn ở vậy. Hoặc một mình, hoặc cùng với đứa con gái giờ đây đã chơm chớm thiếu nữ. Cả hai ngậm ngùi bối rối đối diện nhau, rồi chầm chậm rụt rè hẹn hò đi ăn trưa.

Tất nhiên không bao giờ mời nhau đi xem phim (lần trước đã lỡ nhìn thấy đứa ấy). Và kể cả khi đã “bén” rồi, cũng vĩnh viễn không rủ nhau vào nhà nghỉ. Bởi ở cái lần thăm thẳm đổ vỡ xa xưa, đó chính là những nguyên nhân để bọn họ căm thù khinh bỉ lẫn nhau.

Dang dở bữa ăn, người đàn bà chủ động hỏi nhiều. Và vì là vợ cũ nên câu hỏi cũng không mới. Vẫn chuyện thói quen ăn uống. Vẫn những thiết tha quan tâm bệnh tật nhang nhác xã giao. Còn đau ở chỗ này không, còn đau ở chỗ kia không. Cả hai cố tránh không nhìn nhau, ngấm ngầm thở dài, mong manh đâu đó như có rơm rớm nước mắt. Lòng như sắt nguội cũng mềm dần.

Chẳng phải bây giờ yếu đuối hay cao cả gì, mà là tuổi tác đã xót xa dạy cho cách cảm thông chịu đựng. Để đỡ trống trải, người đàn ông kể chuyện anh bạn. Do quá mệt mỏi, anh ta đã ngu xuẩn lấy thêm vợ mới. Ở hoàn cảnh “thủng đò” thì hầu hết hôn nhân là rổ rá cạp lại.

Vợ mới của anh ta là vợ cũ của người khác. Tết hôm rồi, thương nhớ lò dò tới nhà vợ cũ để lì xì cho bọn trẻ con ít tiền. Đến chân chung cư bỗng lưỡng lự. Cửa sổ có cành đào thấp thoáng bóng đàn ông. Chắc là chồng mới của cô ấy. Loay hoay quay về, thì thấy thằng chồng cũ của vợ mới lù lù đến chơi thăm con riêng.

Người vợ cũ âu yếm bật cười. May nhỉ, chúng mình chưa bị rơi vào cái cảnh, con anh con tôi con chúng ta. Cả hai bẽn lẽn nhìn nhau, ánh mắt sẫm đầy hối lỗi. Nếu đúng theo những phim cực “sến” của Hollywood thì hai người khẽ đứng dậy cầm tay nhau rồi cùng đi về một hướng. Phía xa xa, nền trời long lanh có mầu giọt lệ của đứa bé gái.

Kinh Thánh nhân hậu bảo “Đã có thời ném đá đi và đã có lúc nhặt đá về”. Yêu được lại vợ cũ khó hơn nhặt viên đá đã ném đi rất nhiều. Thế nhưng, ngoài chuyện muộn màng hạnh phúc, hình như đấy còn là phương pháp tu thân luyện cho đàn ông tính vị tha. Vì hầu hết đàn ông có tuổi thường huyênh hoang là mình đã đến cảnh giới buông bỏ tha thứ mọi sự, kể cả khi bị cuộc đời đen bạc đầy phản phúc này trút hết mọi bất trắc vào đầu.

Thế thì hãy thử yêu lại vợ cũ đi.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Theo Gia đình Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới