Dọc tuyến đường Đê La Thành - Thành Công - Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội) những ngày qua xuất hiện hàng loạt băng rôn với nội dung phản đối việc bồi thường đất để làm tuyến đường vành đai 1. “Chúng tôi phản đối tình trạng thiếu minh bạch trong quy hoạch và không lấy ý kiến người dân trước khi ban hành quyết định thu hồi đất” - bà Hồ Thị Minh Lương, đại diện cho 600 hộ dân thuộc phường Ngọc Khánh và phường Thành Công, nói.
Dân nói chưa được lấy ý kiến
Bà Lương cho biết các hộ dân đều ủng hộ chủ trương thu hồi đất để làm đường theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1999. Tuy nhiên, theo bà Lương, bản đồ điều chỉnh quy hoạch của TP Hà Nội và quyết định phê duyệt của Thủ tướng khác nhau rất nhiều.
Cụ thể, theo Quyết định 2113/2017 của Thủ tướng, dự án đường vành đai 1 đi theo chỉ giới Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy. Như vậy có thể hiểu là làm một đường thẳng song song với Đê La Thành. Nhưng sau đó, quy hoạch chỉ làm đoạn đầu và cuối song song với Đê La Thành, còn đoạn giữa (Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh) lại nhập vào Đê La Thành rồi vòng ra từ dốc BV Phụ sản Hà Nội.
“Quy hoạch như vậy thành dự án mở rộng đường Đê La Thành chứ không đồng bộ như chỉ đạo của Thủ tướng. Việc làm đường cong “mềm mại” này vô lý hơn là tránh các trung tâm hành chính TP nhưng lại giải tỏa hàng trăm hộ dân. Theo đó, số tiền bồi thường gấp ba lần so với đi song song Đê La Thành và không thực hiện được Quyết định 1259/2011 của Thủ tướng về di dời một số cơ quan trung ương, doanh nghiệp ra ngoài nội đô…” - bà Lương phân tích.
Bên cạnh đó, bà Lương cũng bức xúc việc chính quyền bỏ qua ý kiến của người dân. “Từ năm 1999 đến 2019, tức là 20 năm, người dân chưa một lần được nhìn thấy một tờ phiếu đăng ký để lấy ý kiến, đùng một cái ra quyết định thu hồi đất. Như vậy là không đúng quy định của pháp luật…” - bà Lương nói.
Chỉ tay về phía những băng rôn treo dày đặc trên đường, ông Lê Văn Thịnh (ngụ 451 Đê La Thành) cho rằng chính quyền phải xem xét lại mức bồi thường đất. Vì theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc di dời hộ dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, mức bồi thường cao nhất hiện nay là hơn 95 triệu đồng/m2 (vị trí mặt đường), trong khi đó giá thị trường thực tế là gần 300 triệu đồng/m2. Với giá này, nếu nhận tiền, có hộ không mua nổi một nửa căn chung cư.
Nhiều hộ dân đường Đê La Thành (Hà Nội) đồng loạt căng băng rôn phản đối mức bồi thường dự án vành đai 1. Ảnh: P.PHONG
Phải công khai quy hoạch cho dân biết
Trước vấn đề nóng này, ngày 7-5, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ, đích thân ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ, cùng UBND TP Hà Nội đã có buổi tiếp đại diện các hộ dân có quyết định thu hồi đất để làm đường vành đai 1.
Về việc người dân băn khoăn việc nhập đường vành đai 1 vào đoạn giữa Đê La Thành, giá bồi thường…, ông Khái đề nghị các sở, ban, ngành, lãnh đạo quận Ba Đình, quận Đống Đa xem xét một cách nghiêm túc. “Trước tiên phải căn cứ quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch để công khai cho người dân biết, từ đó mới tạo ra sự đồng thuận” - ông Khái nhấn mạnh.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng vụ việc hiện nay thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội nên ông đề nghị TP Hà Nội đối thoại và công khai hồ sơ pháp lý quy hoạch, xây dựng đường vành đai 1 với dân. Những gì chưa rõ, ông Khái đề nghị Thanh tra Hà Nội vào cuộc để công khai, minh bạch các thông tin.
“Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị, khiếu nại của người dân trong tháng 7, không được kéo quá dài và báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ…” - ông Khái đề nghị.
Ông Khái cũng giao Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực I (Thanh tra Chính phủ) theo dõi, đôn đốc TP Hà Nội thực hiện các việc trên. Nếu có vấn đề gì thì báo cáo tổng Thanh tra Chính phủ để báo cáo lên Thủ tướng nhằm khẩn trương triển khai dự án…
Liên quan đến dự án này, PV Pháp Luật TP.HCM nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội (đơn vị chủ trì quy hoạch), để làm rõ các bản quy hoạch. Tuy nhiên, PV chỉ nhận được tin nhắn “xin lỗi, hiện tôi không thể trả lời”.
Đường “đắt nhất hành tinh” Vành đai 1 là tuyến giao thông đường bộ vòng tròn, chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Khu vực Hà Nội phía trong vành đai 1 được xác định là khu vực bảo tồn và hạn chế phát triển. Năm 2016, việc mở rộng các đoạn vành đai 1 từ đường Nguyễn Khoái đến Hoàng Cầu đã hoàn thành. Tháng 12-2017, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục với chiều dài 2,27 km (giai đoạn 1). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.779 tỉ đồng, trong đó tiền xây lắp chỉ 785 tỉ đồng, tiền giải phóng mặt bằng hơn 6.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2020. Tổng số hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng khoảng 2.328 hộ, trong đó quận Đống Đa có 808 hộ, quận Ba Đình có 1.520 hộ. Tuyến vành đai 1 được biết đến là con đường “đắt nhất hành tinh” khi tổng đầu tư mỗi mét hơn 3,4 tỉ đồng. Liên quan đến các kiến nghị của người dân, ngày 29-3, Ban Tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ có văn bản gửi chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị thực hiện đúng Quyết định 2113 của Thủ tướng. Đồng thời xem xét, điều chỉnh lại tuyến đường vành đai 1 khớp nối đồng bộ với các đoạn còn lại, chạy song song với tuyến Đê La Thành. |