Đi trên đường và tình cờ thấy một số phương tiện giao thông được dán quảng cáo kín xe. Tôi thắc mắc liệu dán quảng cáo trên phương tiện giao thông như vậy có vi phạm pháp luật không?
Bạn đọc Mộc Nhiên (TP.HCM)
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Căn cứ Điều 32 Luật Quảng cáo 2012 quy định việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông.
Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.
Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Như vậy, các phương tiện giao thông được phép dán quảng cáo trên các vị trí của xe, ngoại trừ mặt trước, mặt sau và trên nóc. Việc dán quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.
Đối với hình ảnh bạn đọc cung cấp, có thể thấy toàn bộ mặt sau của phương tiện giao thông đều bị dán quảng cáo. Do đó, trường hợp dán quảng cáo trên phương tiện giao thông này đã vi phạm quy định của pháp luật.
Theo đó, tại Điều 43 Nghị định 38/2021 (sửa đổi bởi Nghị định 128/2022) quy định mức xử phạt vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông như sau:
Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.
Đồng thời, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Lưu ý: mức phạt tiền trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021, sửa đổi bởi Nghị định 128/2022).