Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin như vậy tại cuộc họp báo chiều 20-10 về chương trình kỳ họp 4, Quốc hội khoá XIV.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Theo ông Phúc, kỳ họp này có điểm mới là dành thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều hơn. Cụ thể sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp 11/26 ngày làm việc của kỳ họp 4. Nhiều nội dung lần đầu tiên được truyền hình, phát thanh trực tiếp, trong đó có vấn đề phân bổ ngân sách năm 2018.
"Đây là vấn đề liên quan đến tiền người dân đóng góp, cần được truyền hình cho người dân giám sát”, ông Phúc nói.
Theo Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, kỳ họp 4 sẽ gồm 26 ngày làm việc, khai mạc vào ngày 23-10 và bế mạc vào ngày 24-11. Sẽ có 11 ngày làm việc để thông qua 6 luật, cho ý kiến 9 luật khác, trong đó có những luật quan trọng như: Luật Quy hoạch, Luật Quản lý nợ công, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt...
Quốc hội cũng dành thời lượng lớn để xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước như: Báo cáo KT-XH năm 2017 và kế hoạch năm 2018; báo cáo ngân sách năm 2017 và phân bổ năm 2018, các báo cáo của toà án, VKS; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, thi hành án, chống tham nhũng; báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới...
Ngoài ra, hơn 40 báo cáo khác cũng được gửi đến các ĐBQH để tự nghiên cứu, kết hợp thảo luận hội trường với các nội dung khác.
Kỳ họp 4 cũng dành 3 ngày chất vấn, trả lời chất vấn. Quốc hội sẽ căn cứ vào ý kiến của ĐBQH để lựa chọn nhóm vấn đề, người để chất vấn. Đặc biệt tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao về cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm đối với hai chức danh Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ. Công tác nhân sự thực hiện ngay tuần đầu của kỳ họp (tức cuối tháng 10).