“Việc hút cát diễn ra cả ngày lẫn đêm khiến đất sạt trầm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần kêu cứu lên chính quyền từ xã đến huyện, kể cả tỉnh nhưng chưa được giải quyết. Mùa mưa bão tới, chúng tôi đang lo nhà cửa của mình bị kéo xuống sông” - ông Tàu Viết Thủ (thôn Mỹ Lược) bức xúc.
Theo phản ánh của người dân, có ngày cao điểm có đến gần 20 ghe lớn nhỏ đến hút cát trên đoạn sông nói trên. Các ghe này chở 25-60 m3 mỗi chuyến. Cứ 4 giờ sáng là đội ghe hút cát lại đục xới lòng sông Thu Bồn, tiếng máy nổ rền vang cả một khúc sông. Các ghe này đặt ống hút dưới đáy sông và cứ thế “rút ruột” sông làm cho tình trạng sạt lở diễn ra triền miên.
Một móng nhà dân bị sụt lún, sắp sập xuống sông vì việc khai thác cát trộm rầm rộ chưa bị xử lý. Ảnh: TH
Ước tính hàng chục hecta đất của người dân bị cuốn trôi nhưng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, đang đe dọa hàng trăm hộ dân khu vực. Hàng trăm hộ dân đang sống trong tình trạng bất an. Nhiều nhà dân sống bên miệng vực hà bá, móng nhà bị kéo sụt sát mép nước sông. Một phần của công trình bia tưởng niệm vụ thảm sát chợ Mỹ Lược cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Người dân địa phương cho biết đã nhiều lần phản ánh nạn hút cát trộm này nhưng vẫn không có sự chuyển biến. Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Duy Hòa, chính quyền cũng đã cử lực lượng ngăn chặn việc khai thác cát ở đoạn sông này nhưng chưa xử lý dứt điểm được. “Khi thấy lực lượng chức năng thì các ghe này bỏ đi. Địa phương đã đề xuất làm bờ kè để chống sạt lở khu vực trên nhưng kinh phí quá lớn nên chưa thực hiện” - ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Trương Văn Sang, Trưởng phòng TN&MT huyện Duy Xuyên, cho hay ngoài nguyên nhân khai thác cát trên lòng sông Thu Bồn thì một nguyên nhân khác cũng dẫn đến sạt lở là việc xây dựng trạm bơm Duy Hòa làm thay đổi dòng chảy. “Phía huyện Đại Lộc cấp phép khai thác cát nhưng ghe lại tới cả xã Duy Hòa khai thác do xã này nằm ở vùng ranh giới, khó xác định phạm vi cho phép khai thác. Tới đây huyện Duy Xuyên làm việc với các đơn vị liên quan và kiến nghị tính về các hướng giải quyết cụ thể” - ông Sang nói.