Theo kết luận này, thông tin có 400 ngôi mộ bị xúc là chưa có cơ sở. Kiểm tra thực tế tại hiện trường xác định 10 vệt mộ phát lộ ở phía đông miếu Âm Linh. Số mộ này đã được cải táng theo đúng phong tục tập quán. UBND TP Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thống nhất cho trùng tu miếu Âm Linh và giữ nguyên khu vực nghi khả năng có mộ âm linh trong phạm vi 2.100 m2. Những người có mồ mả người thân tại khu vực sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để vào tìm kiếm, xác định vị trí, số lượng mộ...
Tại buổi làm việc, phần lớn người dân đồng tình với phương án trùng tu miếu Âm Linh và giữ nguyên khu vực có mộ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn khẳng định mộ thân nhân đã bị xúc đi đổ nơi khác. “Gia đình tôi có sáu ngôi mộ của người thân trong khu vực này. Năm ngoái, số mộ này vẫn còn nhưng giờ đã bị múc đổ mất, không tìm thấy” - ông Trịnh Văn Thắng, tổ 114, phường Hòa Phát nói. Vì thế bà con đề nghị UBND TP, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tiếp tục làm rõ mộ của dân có bị mất trong quá trình cải tạo thao trường hay không. Cạnh đó, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để người dân di dời những ngôi mộ còn lại ra khỏi khu vực Gò Đồi. Đại tá Phan Văn Hạng, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị (Quân khu 5), cho biết quân khu và TP sẽ có chính sách hỗ trợ người dân muốn di dời mồ mả. Riêng Công ty TNHH Tiến Thanh (đơn vị khai thác đất) sẽ phải thỏa thuận bồi thường cho các gia đình bị mất mồ mả.
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM thông tin: Trong quá trình múc đất cải tạo, xây dựng trường bắn, đơn vị khai thác đất đã “xúc nhầm” hàng trăm ngôi mộ được chôn cất cách đây khá lâu. Trong đó có nhiều mộ của nghĩa sĩ, nghĩa binh thời chống Pháp. Ngay khi phát hiện sự việc, UBND TP Đà Nẵng đã đình chỉ việc khai thác đất để tiến hành điều tra. Trước mắt, Công ty TNHH Tiến Thanh đã bị phạt 140 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng mà không có giấy phép khai thác khoáng sản.