Điều đáng nói là cùng với những ngôi mộ trong dòng tộc của người dân nơi đây, rất nhiều ngôi mộ của các nghĩa sĩ, chiến sĩ yêu nước và nhân dân địa phương tham gia chống Pháp, Mỹ ở khu nghĩa trủng Nghi An - Gò Đồ đã bị xúc đi không còn dấu tích gì nữa.
Sẽ vô cùng khó khăn và gần như là không thể phục dựng lại các ngôi mộ như nguyên trạng. Với người dân làng nơi đây, đó là nỗi đau khó gì có thể bù đắp được trong đời sống tâm linh của mình. Và nhiều người dân đến lúc này cũng chưa hết bàng hoàng không hiểu vì sao người ta có thể ứng xử một cách “thẳng đuột” như thế đối với hài cốt của biết bao con người, trong đó có những nghĩa sĩ yêu nước.
May mà cú nhắn tin trực tiếp của người dân cho ông bí thư TP Đà Nẵng đã phát huy tác dụng khi người đứng đầu TP phất lệnh để các cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, sự can thiệp của các cơ quan chính quyền địa phương chỉ có thể tạm“phanh” lại sự việc. Trong khi đó, hậu quả này là hoàn toàn có thể được ngăn chặn hoặc chí ít cũng có giải pháp tốt hơn, nếu chính quyền và đơn vị liên quan lắng nghe những phản ánh từ dân làng và kịp thời nhận ra sự nghiêm trọng của nó.
Xương cốt đổ đi sao hốt lại? Nỗi đau với những người còn sống khi thấy mồ mả ông bà mình bỗng dưng biến mất lấy gì bù đắp được? Xử lý trách nhiệm các bên liên quan là điều phải làm nhưng điều đó cũng chỉ có thể khỏa lấp một phần nhỏ bé nào nỗi đau ấy. Điều người làng Nghi An trông chờ tới đây là cách ứng xử của các đơn vị và cơ quan liên quan trong sự vụ này có thực sự cho thấy sự cầu thị, khắc phục hậu quả bằng chính cái tâm của mình đối với sự mất mát to lớn ấy của người dân hay không.
Tại cuộc làm việc của chính quyền Đà Nẵng, Quân khu 5 và Công ty THHH Tiến Thanh - công ty trực tiếp thực hiện việc này chiều 11-5, các bên đã ngồi lại với nhau để gút lại hướng xử lý. Đại diện lãnh đạo công ty này mong các ngành chức năng làm rõ về số lượng mồ mả khu vực này và xin làm lại toàn bộ khuôn viên, trùng tu lại toàn bộ khu vực này một cách tự nguyện. Sự bắt đầu chân thành như thế sẽ phần nào giúp xoa dịu nỗi đau của người làng Nghi An.
MẠNH LÊ