Ngày 8-5, người dân sống tại làng Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) bức xúc trước việc các đơn vị khai thác đất khu vực kho CK55 thuộc quản lý Quân khu 5 làm “biến mất” 400 ngôi mộ của khu nghĩa trủng Nghi An - Gò Đồ núi Phước Tường. Người dân các tổ 14C, 15, 16C… đã liên tục có đơn gửi đến UBND TP Đà Nẵng và các ngành chức năng kêu cứu.
400 ngôi mộ “biến mất”
Ông Ngô Đằng (83 tuổi, Chủ tịch hội đồng chư phái làng Nghi An) cho biết việc khai thác đất theo quyết định cải tạo trường bắn của Quân khu 5 không có gì phải nói. Tuy nhiên, các đơn vị khai thác đất đã xâm phạm nghiêm trọng đến mồ mả của làng Nghi An. Ngày 25-2-2014, ông Đằng thay mặt hội đồng chư phái làng gửi đơn kiến nghị lên UBND TP Đà Nẵng yêu cầu bảo vệ nguyên vẹn khu nghĩa trủng Nghi An - Gò Đồ. Nơi đây là địa điểm chôn cất 1.000 ngôi mộ của các nghĩa sĩ, chiến sĩ yêu nước, liệt sĩ và nhân dân trong thời gian chống Pháp, Mỹ.
“Thế nhưng không một ai quan tâm đến kiến nghị của tôi. Tới ngày 5-5-2015 lái xe máy múc của đơn vị thi công tiết lộ họ xúc hài cốt đi đổ. Chính tôi lên kiểm tra hiện trường. Tôi không tin vào mắt mình khi phát hiện đơn vị khai thác đất đã xúc 400 ngôi mộ đem đi đổ san lấp mặt bằng các dự án tại TP. Họ xúc 400 ngôi mộ đem đi đổ ở đâu không ai biết” - ông Đằng bức xúc.
Ông Nguyễn Lư (87 tuổi, tổ 14C) cũng cho hay gia đình ông có sáu ngôi mộ nằm cạnh khu vực nghĩa trủng Nghi An cũng đã bị đơn vị khai thác đất xúc đi không còn dấu vết. Trong đó có mộ của ông nội ông Lư. “Sáu mộ phần của gia tộc chúng tôi đã bị máy xúc đào cùng với 400 ngôi mộ khác vận chuyển đi đổ ở đâu bây giờ không ai biết. Giờ đây chúng tôi biết ăn nói như thế nào với tổ tiên, con cháu” - ông Lư phẫn nộ.
Khoảng 400 ngôi mộ trong tổng số 1.000 ngôi mộ tại nghĩa trủng Nghi An đã bị đơn vị khai thác đất xúc đi đổ ở đâu không ai biết. Ảnh: N.DÂN
Cầu cứu bí thư Thành ủy
Trước việc đơn vị khai thác đất mạo phạm đến hàng trăm ngôi mộ, người dân làng Nghi An làm đơn gửi cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. Trong khi đó, máy xúc, ô tô tải vẫn chở đất chạy suốt ngày đêm. Chỉ đến khi ông Nguyễn Tiến Ca (tổ trưởng tổ dân phố 16C, phường Hòa Phát) gọi điện thoại và nhắn tin vào máy của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ thì các ngành chức năng mới đến hiện trường.
“Chúng tôi không biết kêu cứu ai nữa nên đành nhắn tin vào máy bí thư Thành ủy. Lúc này anh Trần Thọ đang họp ngoài trung ương. Khoảng một giờ sau khi nhắn tin thì các ngành chức năng của TP mới lập đoàn đến kiểm tra nhưng chưa có kết luận gì” - ông Ca cho biết.
Theo ông Ca, người dân làng Nghi An đang yêu cầu các ngành chức năng của TP Đà Nẵng, Quân khu 5 phải có biện pháp tìm kiếm lại 400 ngôi mộ đã bị bốc đi đưa về mai táng. Đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến hành vi xâm phạm mồ mả của người dân.
Khai thác đất trái phép
Theo ông Ca, việc khai thác đất đồi tại khu vực kho CK55 đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ban đầu là Công ty Nhật Nga, sau đó công ty này chuyển cho Công ty Tiến Thanh và Công ty Phước Nghĩa (đều có trụ sở tại TP Đà Nẵng) khai thác. Mục đích khai thác là để cải tạo trường bắn cho Quân khu 5 nhưng thực tế là khai thác đất đem đi bán để khỏi phải nộp thuế, xin giấy phép và các thủ tục khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, khẳng định: “Sở TN&MT cũng như TP Đà Nẵng không hề cấp phép cho các đơn vị khai thác đất tại khu vực cụm kho CK55 và khu vực nghĩa trủng Nghi An. Cái này là Quân khu 5 tự hợp đồng với công ty tư nhân để khai thác. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra và đã đình chỉ khai thác nhưng họ vẫn làm. Về phần mồ mả bị đào đi, hiện chính quyền quận Cẩm Lệ đang làm việc với các bên liên quan”.
Chiều 8-5, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, khẳng định đã báo cáo sự việc với Thành ủy, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5… và đang chờ ý kiến chỉ đạo của TP. Qua kiểm tra, quận đã phát hiện các ngôi mộ bị Công ty TNHH Tiến Thanh khai thác đất đồi đào múc, vận chuyển khoảng 400 ngôi mộ.
“Chúng tôi đã yêu cầu dừng ngay việc khai thác đất và phải tiến hành xây dựng bờ kè tại khu vực nghĩa trủng Nghi An. Chúng tôi còn phát hiện thêm 10 ngôi mộ bị đào và đã cho bốc hài cốt, xây dựng lại. Hàng trăm ngôi mộ trên bị đơn vị khai thác đất xúc đổ đi đâu chúng tôi cũng chịu. Họ đổ làm đường, làm công trình nên không rõ lắm. Bây giờ các ngành chức năng của TP phải vào cuộc chứ họ đổ đâu mình không biết. Ngoài ra, quận đề nghị TP và Quân khu 5 xử lý trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị có liên quan đến việc đào mộ đi đổ ở trên” - ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Sơn, khu vực đất trên là do Quân khu 5 quản lý, các ngành của TP vào cuộc chứ quận không thể can thiệp được. “Đất này do quân đội quản lý. Họ quản lý nên muốn vào cũng không được, phải có giấy phép. Đây là các ngôi mộ có từ hồi chống Pháp tới giờ. Quận cũng rất bức xúc trước việc họ xúc mộ của người ta đi đổ, ảnh hưởng đến tâm linh của người dân. Quận đang đề nghị TP có biện pháp xử lý” - ông Sơn nói.
Theo lịch sử Đảng bộ phường Hòa Phát thì khu vực nghĩa trủng Nghi An là nơi chôn cất lên tới 2.000 mộ (người dân thì cho rằng khoảng 1.000 mộ). Trong đó, có cả những chiến sĩ bộ đội thuộc Trung đoàn E96 đã anh dũng hy sinh trong trận đánh tại cầu Bà Điếc. Tại đây còn lưu giữ bia chiến tích ghi rõ: “Nơi đây, trên dải phòng ngự Nghi An - Phước Tường, từ ngày 25-12-1946 đến ngày 6-1-1947, bộ đội ta thuộc Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 phối hợp với dân quân địa phương và hai đại đội tăng cường của Tiểu đoàn 100 (Trung đoàn 93) đã ngoan cường chiến đấu giữ vững phòng tuyến, trong đó quyết liệt nhất là trận tại cầu Nghi An… Trên các trận đánh này ta có 18 chiến sĩ anh dũng hy sinh…”. Ngoài ra, nơi đây còn có phần mộ của các nghĩa sĩ dưới quyền của danh tướng Nguyễn Tri Phương hy sinh khi quân Pháp tấn công vào Đà Nẵng. Bên cạnh đó còn có nhiều phần mộ các liệt sĩ, chiến sĩ hoạt động cách mạng dưới thời chiến tranh chống Mỹ. Sau giải phóng thì nghĩa trủng Nghi An nằm trong khu vực cụm kho CK55 do Quân khu 5 quản lý cho đến nay. |