Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022 thì từ giờ đến cuối năm sẽ vẫn còn khoảng 2,5% hạn mức tín dụng được cấp cho các ngân hàng thương mại. Như vậy, từ nay đến cuối năm, sẽ còn khoảng 260.000 tỉ đồng được bơm vào nền kinh tế.
Theo số liệu do NHNN vừa công bố, tăng trưởng tín dụng tới cuối tháng 10 ghi nhận ở mức 11,5% so với cuối năm 2021.
Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng nhà điều hành khó nới thêm hạn mức tín dụng lên trên 14% trong năm nay, đặc biệt khi rủi ro lạm phát đã lớn hơn, chỉ số CPI trong tháng 10 đã ghi nhận ở mức 4,3%.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng nếu nới lỏng tín dụng có thể khiến lạm phát tăng cao, nhưng siết chặt tín dụng cũng làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn, qua đó thu hẹp qui mô sản xuất, giảm cung hàng hóa.
Điều này có thể sẽ khiến người bán hàng lợi dụng yếu tố khan hàng, “tát nước theo mưa” đẩy giá hàng hoá tăng theo và như vậy vẫn khiến lạm phát tăng cao.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: "Trong điều kiện lãi suất huy động tăng, để giữ ổn định lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, các ngân hàng trên địa bàn thành phố cần thực hiện tốt các chương trình tín dụng hiện hữu đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua.
Trong đó có thể kể đến như cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng theo quy định ở mức thấp (hiện nay không quá 4,5%/năm), cho vay kích cầu đầu tư của thành phố; cho vay doanh nghiệp KCN-KCX và cho vay bình ổn thị trường"
Điểm chung của các chương trình này là lãi suất cho vay hợp lý và thấp hơn so với mặt bằng chung. Do đó, khi các chương trình này phát huy hiệu quả sẽ giảm bớt áp lực tăng lãi suất theo xu hướng chung của thị trường khi lãi suất huy động tăng hoặc giữ ổn định được lãi suất, thậm chí giảm lãi suất so với mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý và chủ động điều chỉnh mức lợi nhuận để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
"Về mặt nguyên tắc, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay tăng theo vì lãi suất huy động là chi phí đầu vào chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng chi phí thành phần để xác định lãi suất cho vay. Bộ phận còn lại, chiếm tỉ lệ thấp hơn là chi phí quản lý, chi phí hoạt động, lợi nhuận…. Do đó khi lãi suất huy động vốn thay đổi, muốn lãi suất cho vay ổn định, chỉ có thể điều chỉnh và tác động đến bộ phận chi phí còn lại” - ông Lệnh nhấn mạnh.