Thậm chí có người còn cho rằng, nếu không phải thi nhân thì Tào Tháo khó hành xử để thu hút nhân tâm trước khi nhà Hán bị diệt vong.
Không phải gian thần
Trong hơn 1.700 năm qua, Tào Tháo luôn bị coi là gian thần hung ác, cho dù ông luôn được chọn là nhân vật trung tâm thời Tam Quốc trong các cuộc bình chọn. Mặc dù những vở kinh kịch nổi tiếng như "Xúc phóng Tào", "Kích cổ giá Tào", "Từ mẫu giá Tào"… từng lột tả con người Tào Tháo, nhưng hầu như người Trung Quốc nào cũng thừa nhận, họ biết tới Ngụy Vũ vương chủ yếu qua tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung.
Với tư cách là một trong bốn bộ danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc nên "Tam quốc diễn nghĩa" đã định hướng cho người đọc những nhân vật trong đó. Theo đó, Tào Tháo là một kẻ thoán nghịch, đa nghi giảo quyệt, giết người không ghê tay, ngang ngược bạo hành. Nhưng công lao của Tào Tháo trong việc kết thúc nhà Hán là điều không thể phủ nhận - Ngụy Vũ vương là người phi thường, kiệt nhân xuất thế. Một số sử gia cho rằng, cách dụng binh cũng như tư tưởng thi ca của Tào Tháo đã trở thành tác phẩm gối đầu giường của nhiều nhà quân sự sau này.
Một lãnh tụ của nước Trung Hoa hiện đại đã nhận xét: "Không những thống nhất miền Bắc, sáng lập nhà Ngụy, Tào Tháo còn cải cách nhiều hủ tục của triều Đông Hán, thẳng tay với cường hào, phát triển sản xuất, thực hiện chế độ đồn điền mới, đôn đốc khai hoang, thực thi pháp chế, đề xướng tằn tiện, biến một xã hội bị phá vỡ nghiêm trọng đi vào ổn định, khôi phục, phát triển". Nhà văn Quách Mạt Nhược cũng có quan điểm tương tự. Sử gia nổi tiếng Tiễn Bách Tán cũng đồng với quan điểm này. Học giả Dịch Quân Tả cho rằng, vì cuộc đời Tào Tháo là một cuộc chiến trường kỳ nên thơ ca của ông cũng từ đó mà ra.
Cách đây khoảng 30 năm, trên văn đàn Trung Quốc từng xuất hiện khuynh hướng xem xét lại sự đánh giá đối với các nhân vật trong Tam Quốc. Theo đó, Tào Tháo đã trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển lịch sử Trung Hoa, đồng thời có nhiều công lao trong những cải cách xã hội thời kỳ bấy giờ. Tào Tháo là người thành công trong việc áp dụng chính sách tôn trọng trí thức và trọng dụng nhân tài. Tào Tháo vẫn sử dụng Trần Lâm cho dù ông là người đã viết bài hịch sỉ nhục 3 đời nhà mình. Với những gì đã làm, Tào Tháo không hổ danh là anh hùng thời loạn. Sử sách cũng từng ghi, Tào Tháo là vị Vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã đưa ra quan niệm chôn cất đơn giản.
Tác phẩm để đời
Mặc dù Tào Tháo dùng thể thơ cổ Nhạc phủ nhưng vẫn mang phong cách riêng, cùng sự sáng tạo của mình. Nói chung thơ Tào Tháo đều thể hiện lý tưởng, tinh thần sống hiên ngang, lạc quan, lòng yêu thiên nhiên cũng như con người của tác giả. Trong số hơn 20 bài thơ còn lưu lại cho hậu thế, "Quy tuy thọ - Thọ như rùa thiêng" là một trong những tác phẩm được đánh giá cao nhất.
Dưới con mắt của các thi nhân, Tào Tháo đã biết dùng những ngôn từ hùng tráng trong bài thơ "Quy tuy thọ" để tỏ rõ sự lạc quan tuy biết rõ đời người hữu hạn, cũng như thế thái của người dù đã già, nhưng vẫn tráng kiện. "Tuổi cao tráng chí càng cao, chí ngoài ngàn dặm. Kẻ dày công trạng, cuối đời hùng tâm vẫn nguyên", đây là câu thơ đã trở thành danh ngôn lưu truyền thiên cổ.
Thọ như rùa thiêng
Cũng có lúc chết
Rồng cưỡi mây mù
Cũng ra tro hết
Ngựa già nằm chuồng
Chí ở bốn phương
Anh hùng lớn tuổi
Hăng hái như thường
Khi thịnh khi suy
Không chỉ tại trời
Ta biết di dưỡng
Sẽ sống lâu dài.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê từng đánh giá cao ca từ trong thơ của Tào Tháo - lời thơ cực kỳ bi tráng. Theo Nguyễn Hiến Lê, bài "Đoản ca hành - Bài hát ngắn" đã thể hiện rõ tài năng của Tào Tháo - dùng binh đã giỏi, thơ văn cũng hay. Kể từ thời Xuân Thu đến nay, ta mới lại gặp một bài thơ tứ ngôn cảm khái đến như vậy, Nguyễn Hiến Lê nhận xét sau khi đọc bài "Đoản ca hành". "Đoản ca hành" được sáng tác ngay trong đêm xảy ra trận Xích Bích. Sau trận Xích Bích, tuy phải "chia thiên hạ" với Lưu Bị và Tôn Quyền, nhưng Tào Tháo vẫn được Hán Hiến Đế phong làm Vũ Bình hầu, Ngụy Công và Ngụy Vương.
Trước ly rượu ta nên ca hát
Một đời người thấm thoắt là bao
Khác chi mấy hạt sương mai
Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn
Vụt đứng dậy, lòng thêm khảng khái
Nhưng cái buồn đeo mãi không tha
Giải sầu chỉ một chăng là
Mượn đôi ba chén của nhà Đỗ Khang
Tuổi đi học, áo xanh cổ cứng
Mà lòng ta bịn rịn hôm mai
Nhưng thôi nhắc mãi làm chi
Tuổi xanh quá vãng vì mi ta buồn
Con hươu lạc kêu trên đồng vắng
Chân ngẩn ngơ mồm gặm cỏ non
Nhà ta khách quý rộn ràng
Đàn ca sáo phách bập bùng thâu đêm
Mảnh trăng nọ treo trên trời rộng
Biết bao giờ hết sáng ngàn cây
Nỗi buồn ập đến ai hay
Lòng ta vương vấn khi đầy khi vơi
Xông pha mãi một đời gió bụi
Uổng công ta lui tới đeo đai
Bi hoan ly hợp một đời
Mong người tri kỷ đứng ngồi chẳng an
Trăng vằng vặc sao ngàn thưa thớt
Quạ về nam thảng thốt kêu thương
Liệng quanh cây, những mấy vòng
Mà không tìm được một cành nương thân
Chẳng quản ngại ta tìm tri kỷ
Dù núi cao, biển cả sâu nông
Một đời nghiền ngẫm Chu công
Làm sao thiên hạ dốc lòng về ta.
"Khổ hàn hành", một trong những bài thơ để đời là tác phẩm được sáng tác khi Tào Tháo đi chinh chiến.
Phía Bắc Thái Hàng sơn,
Vòi vọi lên gian nan.
Đường ruột dê uốn khúc,
Làm bánh xe vỡ tan.
Cây cối sao hiu hắt.
Gió bắc rít trên ngàn.
Gấu ngồi xổm ngó khách;
Hổ bên đường gầm vang.
Tuyết rơi sao phơi phới,
Hang hốc ít nhân dân.
Dài cổ nhiều than vãn,
Đi xa dạ ngùi ngùi.
Lòng ta sao buồn bực
Về đông mong tới ngày.
Nước sâu cầu lại gãy.
Giữa đường dạ bồi hồi.
Mê hoặc quên đường cũ
Tối mịt trọ nhà ai?
Đi hoài bao ngày tháng,
Đói cả ngựa lẫn người.
Quảy gói đi kiếm củi,
Lấy giá để thổi cơm.
Viết bài "Đông Sơn" nọ,
Dằng dặc một nỗi buồn...
Tào Tháo đã nói rõ lý tưởng chính trị, cũng như ý chí quật cường và tinh thần tiến thủ trong nhiều tác phẩm của mình. Qua bài "Độ Quan sơn - Vượt Quan sơn", Tào Tháo muốn phản đối việc vua làm khổ dân, bắt đi phu, đóng thuế nặng. Với bài "Đối tửu - Cùng uống rượu", "Cảo lý hành" và "Giới lộ hành", Tào Tháo hy vọng triều đại có vua anh minh, đồng thời cảm thông với những nỗi thống khổ của người dân phải sống trong chiến tranh, thời loạn Đông Hán.
Nhưng qua bài "Quan thương hải - Ngắm biển xanh", người đời lại thấy một Tào Tháo vừa yêu thiên nhiên, vừa thể hiện ý chí tung hoành của kẻ sỹ thời loạn. Nhiều nhà thơ khẳng định, Tào Tháo đã rất khéo trong việc thể hiện cái hùng tài về chính trị và quân sự của mình vào thi ca với những bài thơ tứ ngôn. Tuyệt đại đa số những bài thơ hay của Tào Tháo đều được ông sử dụng những từ ít hoa mỹ, lời lẽ thuần phác, nhưng ý thơ rõ ràng, hùng hồn, bi tráng khiến người đọc luôn phấn khích. Có người nói, thơ Tào Tháo hào sảng, đầy khí phách của một kẻ hùng tài, đầy mưu lược.
Câu hỏi để ngỏ
Với những gì đang diễn ra - khẩu chiến xung quanh mộ Tào Tháo, việc tìm tiếng nói chung trong vấn đề nhạy cảm này sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là dư luận rất quan tâm tới Ngụy Vũ Đế, tước hiệu của Tào Tháo có được sau khi con trai Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, lập nên nhà Ngụy và xưng là Ngụy Văn Đế. Theo giới truyền thông, mặc dù những tranh cãi xung quanh vấn đề này vẫn đang diễn ra, nhưng sẽ sớm đạt được sự thống nhất nếu người ta thành công trong việc giám định ADN.
Tuy nhiên cũng có một thực tế không thể chối bỏ, đó là Tào Tháo đã chết (15-3-220) được gần 2.000 năm, do đó việc so sánh ADN của ông với hậu duệ sẽ gặp khó khăn. Nhiều người kiến nghị, nên so sánh ADN của Tào Tháo với con trai Tào Thực bởi người ta đã tìm thấy ngôi mộ này ở Ngư Sơn, Sơn Đông và được toàn bộ giới học thuật công nhận. Ngoài ra, người ta cũng có thể khai quật một ngôi mộ trong quần thể mộ chí họ Tào ở Hào Châu để lấy mẫu ADN làm giám định.
Giới chuyên môn khá quan tâm tới tuyên bố của ông Triệu Uy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch thành phố Hào Châu kiêm Hội trưởng Hội nghiên cứu Tào Tháo, cho rằng hậu duệ của Tào Tháo sống ở Hứa Xương, Lạc Dương, An Dương, tỉnh Hà Nam và tỉnh Sơn Đông, thậm chí Macao, nên sau gần 2.000 năm, gien di truyền có thể có dị biến, khó cho việc giám định ADN.
Quan điểm này được ông Trần Lập Trụ, Phó ban nghiên cứu lịch sử thuộc Viện Khoa học xã hội An Huy ủng hộ. Được biết, các cơ quan chức năng Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành phần việc của mình để sớm có câu trả lời đối với một vấn đề mang tính lịch sử.
Tuy sinh ra trong gia đình giàu có, song không có tiếng tăm tại huyện Tiêu, nhưng Tào Tháo (155-220), tự Mạnh Đức vừa là thiên tài quân sự, vừa là nhà thơ lớn, nhà chính trị nổi tiếng cuối đời Đông Hán.
Theo tuyên bố của Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam Tôn Anh Dân tại buổi họp báo hôm 27-12-/2009, mộ Tào Tháo được khai quật tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, nơi từng là cố đô của hơn 20 triều đại phong kiến Trung Quốc. Mộ Tào Tháo có hình chữ Giáp với tổng diện tích hơn 740m2, được xây bằng đá hình chữ Trung và chia làm tiền thất và hậu thất cùng 4 buồng ngách, quy mô rất lớn với kết cấu phức tạp.
Theo Lê Quỳnh Trang - Lê Tuấn Cường (ANTG cuối tháng)