Liên quan đến việc chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp để làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), nguồn tin của PLO cho biết, đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) để trình Bộ TN&MT thẩm định.
Phối cảnh hồ Kapét. |
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (QLDA), trước đó ĐTM dự án đã được hoàn thành vào tháng 09-2020.
Tuy nhiên do dự án phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt. Hiện nay, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 đã thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 101/2023.
Ngày 04-7-2023, UBND tỉnh chấp thuận cho gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30-10-2023 nên Ban QLDA đang phối hợp với đơn vị tư vấn để tổ chức lập lại hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 08/2022 Chính phủ (về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).
Cụ thể hoàn chỉnh nội dung ĐTM theo biểu mẫu mới; lập mô hình đa dạng sinh học, mô hình thủy lực và lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về tác động của việc thực hiện dự án tới đa dạng sinh học.
Một số nội dung khác như: Đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT; tham vấn cộng đồng dân cư địa phương. Đến nay công tác đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT và tham vấn cộng đồng dân cư địa phương đã thực hiện xong.
Theo Ban QLDA, Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn với lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước. Tình trạng khô hạn dẫn đến nhiều vùng đất bị hoang hóa, sản xuất nông nghiệp khó khăn, hiệu quả thấp; không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng thiếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
Khu vực khô hạn ở xã Mỹ Thạnh. Ảnh CTV. |
Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng hệ thống công trình thủy lợi (bao gồm các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và kênh tiếp nước,…) với tổng dung tích thiết kế hơn 362 triệu m3.
Tuy nhiên, với nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất dự báo đến năm 2030 lên đến hơn 1.169 triệu m3/năm, tổng dung tích thiết kế của các hồ nêu trên chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.
Mặt khác, các hồ thủy lợi lớn của tỉnh chủ yếu nằm ở khu vực phía Bắc; khu vực phía Nam của tỉnh (gồm các huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân và thị xã La Gi) chỉ có những hồ chứa nhỏ, nên nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất thiếu trầm trọng. Một số khu vực phải ngưng sản xuất nông nghiệp có thời hạn.
Phối cảnh hồ thủy lợi Kapét. |
"Nhu cầu đầu tư hệ thống hồ chứa nước để giữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân cần được ưu tiên. Dự án là một trong những dự án thủy lợi được nhân dân Bình Thuận mong đợi từ nhiều năm qua”, Ban QLDA cho biết về sự cần thiết xây dựng hồ thủy lợi này.
Tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.