Dự án làm hồ chứa nước Ka Pét trên hơn 600ha rừng được quyết như thế nào?

(PLO)- Đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 11 lượt ý kiến góp ý tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến việc chuyển đổi hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), tháng 5-2023, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV đã có báo cáo liên quan đến dự án này. Ủy ban KHCN&MT là đơn vị được phân công chủ trì thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Quốc hội đã từng cử đoàn khảo sát thực tế dự án hồ Ka Pét

Theo đó, trong hai ngày 7 và 8-3-2023, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã tổ chức khảo sát thực tế tình hình triển khai thực hiện dự án này.

Vị trí hồ Kapét.

Vị trí hồ Kapét.

Sau đó, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án. Ngày 15-3-2023, tại phiên họp lần thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án. Trên cơ sở kết luận của UBTVQH về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải trình, tiếp thu làm rõ một số nội dung trong dự án.

Ngày 10-5-2023, Ủy ban KHCN&MT đã tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra chính thức dự án. Tham dự phiên họp có đại diện Lãnh đạo Bộ KH&ĐT (cơ quan được Chính phủ ủy quyền trình dự án), đại diện các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan.

Trên cơ sở báo cáo tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến tại phiên họp, Ủy ban KHCN&MT đã có báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Theo đó, dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019, do có phát sinh tiêu chí chuyển mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phối cảnh dự án.

Phối cảnh dự án.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là 693,31 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 680,41 ha (gồm: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha; rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha) và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha.

Tổng mức đầu tư của dự án là 585,647 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn: từ 2016 - 2020 là 186,502 tỷ đồng; sau năm 2020 là 399,145 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2024.

Hiện nay, tổng mức đầu tư dự án đã được điều chỉnh lên gần 875 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành đến năm 2025.

Đa số đại biểu quốc hội tán thành điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án tại văn bản số 541/2020.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt đầu tư dự án... Tuy nhiên, ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, tình hình dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc triển khai dự án trong 2 năm.

Đến nay, dự án đã điều tra, kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng hoàn thành vào tháng 12-2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng 4-2022. Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.844,54 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22 ha (cho 144,74 ha rừng tự nhiên). Tổng kinh phí dự kiến hơn 176 tỉ đồng.

Diện tích rừng trong dự án.

Diện tích rừng trong dự án.

UBND tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục rà soát bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế 1.410,32ha cho diện tích rừng cần trồng thay thế còn lại. Về công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thực hiện xong công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Cũng theo báo cáo, đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 11 lượt ý kiến góp ý tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.

“Về cơ bản, các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, nội dung tờ trình và nội dung về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự đề điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án”, báo cáo nêu.

Về trồng rừng thay thế, có ý kiến đề nghị nên gắn việc trồng rừng thay thế với tạo việc làm cho người dân địa phương, nên ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông và khu bảo tồn thiên nhiên Tà Koú, có thể trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thông tin, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, hồ sơ phê duyệt dự án đã sẵn sàng. Đồng thời, nếu được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thì dự án sẽ bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2025.

Sau đó, dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 101/2023; thời gian kết thúc thực hiện dự án là cuối năm 2025.

Mục tiêu của dự án hồ chứa nước Ka Pét

Cấp nước tưới cho 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam;

Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II (2,63 triệu m3/năm);

Tạo nguồn nước thô để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết;

Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường sinh thái, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và một phần đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm