Một ngày đầu tháng 5-2015, ông TVT (60 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cầm một chai mỹ phẩm dầu gội đến Viện Pasteur TP.HCM xin được kiểm nghiệm. Ông muốn biết trong chai có chất gì mà sau khi sử dụng, đầu ông chỉ còn vài cọng loe hoe.
Ông T. cho biết sau khi gội đầu bằng mỹ phẩm này, tóc ông bắt đầu rụng. Ông đã đến cửa hàng bán mỹ phẩm hỏi cho ra lẽ. Sau một hồi lời qua tiếng lại, chủ cửa hàng đưa cho ông 2 triệu đồng nói là phụ chi phí đi khám bệnh. Ông T. đi khám cũng chưa tìm ra bệnh gì. Bệnh viện khuyên ông đi kiểm nghiệm xem trong chai mỹ phẩm có chất gì để dễ xác định bệnh hơn.
Bỏ tiền xét nghiệm cũng gặp khó
Tiếp nhận yêu cầu, Viện Pasteur TP.HCM đã hướng dẫn đến Viện Kiểm nghiệm thuộc TP.HCM để kiểm tra vì viện không có chức năng kiểm nghiệm. Trên đường, ông T. tạt vào Sở Y tế TP hỏi thử nơi này có kiểm nghiệm được không. Nơi này cũng chỉ ông qua Viện Kiểm nghiệm thuốc.
Tại Viện Kiểm nghiệm thuốc, ông T. yêu cầu kiểm tra xem trong chai mỹ phẩm có chất gì gây hại cho tóc của ông và sẵn sàng trả chi phí. Tuy nhiên, nơi này cho rằng yêu cầu của ông quá mênh mông, không nói cụ thể là kiểm tra chất gì nên viện không đáp ứng được.
Một cán bộ quản lý ngành y tế TP.HCM cho biết đáng lẽ nơi tiếp nhận mẫu mỹ phẩm phải hướng dẫn người dân nên xét nghiệm tìm các chất A, B, C, D… một cách cụ thể vì các chất này có thể gây rụng tóc chứ người dân không thể biết mà yêu cầu. Để người dân đi tới đi lui và ra về trong thất vọng là không nên.
Một bệnh nhân sau khi sử dụng mỹ phẩm đã phải đến BV Da liễu vì những vết nổi mẩn trên cổ. Ảnh: BS
Một số mỹ phẩm kém chất lượng vừa bị phát hiện tại TP.HCM. Ảnh: TÙNG SƠN
Đằng sau sự thơm tho là chất độc
Đặt câu hỏi “Với tình trạng rụng tóc như ông T. thì nên hướng dẫn ông tìm chất gì?”, một giáo viên dạy hóa ở trường THPT, cho biết đằng sau sự đẹp đẽ, thơm tho của hóa mỹ phẩm là rất nhiều hóa chất độc hại.
Có thể kể đến đầu tiên là sodium lauryl sulfate (SLS), được xem là nguy hiểm nhất trong các chất hữu cơ dùng để sản xuất mỹ phẩm nhưng cũng là chất được sử dụng nhiều nhất, chủ yếu trong kem đánh răng, kem cạo râu, dầu gội đầu, nước súc miệng... SLS làm khô da và có thể gây ung thư.
Thứ hai là polyethylene glycol (PEG), sử dụng trong kem dưỡng da gây bất lợi cho hệ miễn dịch. Propylen glycol (PG) có trong son môi, thuốc nhuộm tóc, kem cạo râu, kem đánh răng… gây ảnh hưởng xấu lên gan, thận, não. Triethanolamine (TEA), diethanolamine (DEA) và monoethanolamine (MEA) có trong sữa tắm, dầu khử mùi, kem chống nắng... dễ được hấp thu qua da gây hại cho gan, thận và hệ thần kinh trung ương.
Ngoài ra, trong thuốc nhuộm tóc có một chất có khả năng gây ung thư là phenylenediamin (sản phẩm của một công ty vừa bị phát hiện với hàm lượng vượt ngưỡng nhiều lần cho phép).
Theo giáo viên dạy hóa nêu trên, thuốc nhuộm sau khi được bôi lên tóc sẽ từ từ thấm vào da đầu, sau đó xâm nhập vào cơ thể. Nếu trong thuốc nhuộm tóc có p-phenylenediamine (C6H8N2) giúp màu tóc tươi sáng nhưng gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.
“Sát thủ” corticoid
BS-CKII Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Da liễu TP.HCM, cho biết ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với mỹ phẩm. Thường gặp nhất là bệnh nhân bị mụn trứng cá. Đây là loại bệnh mạn tính thường gặp trên người trẻ, cần thời gian điều trị lâu dài. Nhưng có người không đủ kiên nhẫn theo phác đồ bác sĩ chỉ định mà nghe theo lời khuyên của bạn bè, người thân không có chuyên môn. Họ đề nghị sử dụng một số loại kem hoặc thuốc có thành phần không rõ ràng. Đặc biệt trong các loại kem có corticoid, làm cho da người sử dụng sáng, mịn hơn và bớt phản ứng viêm của mụn trứng cá trong 3-4 ngày đầu do vậy bệnh nhân rất thích. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ xảy ra những phản ứng phụ như giãn mạch, teo da, làm da mỏng, chợt đỏ, chợt tái, dễ ngứa, dùng càng nhiều da càng teo. Lâu dài hơn nữa sẽ gây ức chế tuyến thượng thận, hội chứng mặt tròn, phù nề như mặt trăng (thường gặp khi sử dụng đường uống).
Một số chất độc “ẩn mình” trong mỹ phẩm Chất talc trong mỹ phẩm trang điểm: Hầu hết các mỹ phẩm dạng bột như màu mắt, má hồng, phấn nền... của chị em đều có chứa talc. Đây là một chất bôi trơn rất tốt, vốn được biết đến như một chất gây ung thư (cụ thể là ung thư buồng trứng và đường hô hấp). Toluene trong nước hoa: Nếu bị hen suyễn, hãy tránh xa nước hoa bởi tất cả đều chứa toluene. Một khi hít phải toluene nồng độ cao thì dù thời gian ngắn cũng có thể làm xuất hiện các triệu chứng khó chịu trong kết mạc và cổ họng tắc nghẽn, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, suy nhược... Nếu tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến ngộ độc mạn tính; gây ra hội chứng thần kinh suy nhược, gan to hoặc các bất thường kinh nguyệt cho phụ nữ, da khô, viêm da. Dioxane (dioxan) có trong chất tẩy rửa: Năm 2011, Tổ chức Môi trường Thế giới phát hiện trong chất tẩy rửa có chứa chất gây ung thư là dioxane. Paraben có trong chất bảo quản mỹ phẩm: Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa đưa chất này vào danh mục các chất cấm dùng trong mỹ phẩm do có nghi ngờ khả năng gây ung thư. Từ cuối tháng 4-2015, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt bốn công ty mỹ phẩm với số tiền gần nửa tỉ đồng, tiêu hủy trên 620.000 sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm sản xuất không có phiếu công bố sản phẩm. Trong đó, đáng chú ý có một mỹ phẩm của Công ty Sài Gòn H&T kinh doanh có chất phenylenediamin vượt mức giới hạn 2,27%. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng vừa kiểm tra sáu công ty mỹ phẩm, phát hiện nhiều sản phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố được duyệt, nội dung ghi nhãn không phù hợp với phiếu công bố. Thí dụ, sản phẩm Laneige satin finish loose powder của Công ty Amore Pacific Việt Nam có nội dung ghi trên nhãn clyceryl, carlglate stearyl lielienate, alumimum hydroxyte… nhưng phiếu công bố sản phẩm không có các thành phần này. Một sản phẩm của Công ty Provence trên hồ sơ công bố chỉ ghi “dùng dưỡng da mặt” nhưng công ty lại ghi là “tinh chất chống lão hóa”… |