Đằng sau việc Mỹ dốc sức hỗ trợ Ukraine và Israel cùng lúc

(PLO)- Giới chức Mỹ khẳng định Washington đủ khả năng viện trợ cho cả Ukraine và Israel cùng lúc và nhấn mạnh điều này giúp đảm bảo an ninh quốc gia Mỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas ngày càng cam go, ác liệt, nhiều người đặt câu hỏi liệu Mỹ có đủ sức hỗ trợ Israel và Ukraine cùng lúc hay không. Trước nghi ngại này của công chúng, giới chức Mỹ mà gần đây nhất là Tổng thống Joe Biden đã khẳng định Washington đủ tiềm lực viện trợ cho cả Israel và Ukraine.

Át chủ bài “an ninh quốc gia”

Ngày 19-10, trong bài phát biểu về hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas, Tổng thống Biden đã làm rõ rằng việc hỗ trợ Israel và Ukraine là quan trọng với an ninh quốc gia cũng như lợi ích của Mỹ. Theo ông Biden, nếu Mỹ “buông” Ukraine hay quay lưng với Israel thì không chỉ hai đối tác này của Mỹ gặp nguy hiểm mà các giá trị Mỹ, sự lãnh đạo và các liên minh của Mỹ cũng sẽ rơi vào nguy cơ tương tự.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden cũng nói rằng ông “sẽ gửi tới Quốc hội một yêu cầu ngân sách khẩn cấp để tài trợ cho các nhu cầu an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như hỗ trợ các đối tác quan trọng, bao gồm Israel và Ukraine”. Ông cho rằng đó là “khoản đầu tư thông minh sẽ mang lại lợi ích cho an ninh nước Mỹ trong nhiều thế hệ”.

ẢNH-CHÍNH-_-P16.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về xung đột Israel - Hamas và Nga - Ukraine vào ngày 19-10. Ảnh: JONATHAN ERNST/ POOL

Bà Shelby Magid, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Eurasia Center có trụ sở tại Mỹ, cho rằng bài phát biểu diễn ra trong thời điểm quyết định khi các đảng viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện phản đối viện trợ cho Ukraine. Theo bà Magid, ông Biden đã đưa ra lập luận mà cả hai đảng có thể ủng hộ gói viện trợ cho Ukraine và Israel, đó là nhấn mạnh đến lợi ích quốc gia Mỹ. Đây cũng là điểm hợp lòng dân khi theo cuộc thăm dò của ĐH Quinnipiac (Mỹ) công bố vào ngày 17-10, 65% người được hỏi đồng ý rằng ủng hộ Ukraine là vì lợi ích quốc gia Mỹ, tương tự với việc ủng hộ Israel khi có tới 75% người tán đồng.

Chuyên gia này cho rằng điểm đáng chú ý là ông Biden đã không đề cập chính xác số tiền của gói viện trợ, vốn được cho là tổng cộng khoảng 105 tỉ USD, trong đó chi cho Ukraine 60 tỉ USD và Israel là 14 tỉ USD. Bà cho rằng những lập luận thuyết phục và đặt tình cảnh của Israel và Ukraine song song nhau trong bài phát biểu khiến những người ủng hộ hỗ trợ cho Israel nhưng không ủng hộ cho Ukraine gặp khó khi muốn “bật” lại yêu cầu của tổng thống.

“Tôi biết chúng ta có sự chia rẽ nội bộ. Chúng ta phải vượt qua nó. Chúng ta không thể để sự nhỏ mọn, giận dữ và tính đảng phái trong chính trị cản trở trách nhiệm của chúng ta với tư cách là một quốc gia vĩ đại…” - Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người Mỹ đoàn kết, đồng lòng hỗ trợ cho Israel và Ukraine.

Mỹ đủ sức giúp Israel và Ukraine

Không chỉ ông Biden, các quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd J. Austin và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã khẳng định Washington đủ khả năng viện trợ, đặc biệt là quân sự, cho cả Ukraine và Israel cùng lúc.

Theo tờ The Washington Post, quan điểm cho rằng việc gửi trang thiết bị quân sự của Mỹ từ kho ở Israel cho Ukraine gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực chiến đấu của Israel là không xác đáng. Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho thấy chính quyền ông Biden đã gửi cho Ukraine khoảng 300.000 viên đạn pháo 155 mm từ kho của Mỹ ở Israel. Cùng lúc, Mỹ đã mua đạn dược của Hàn Quốc để bổ sung vào kho dự trữ đó và Mỹ cũng đang khẩn trương tăng cường sản xuất loại đạn này.

Hơn nữa, Kiev không yêu cầu loại vũ khí mà Israel cần trong những tuần và tháng tới. Chẳng hạn, quân đội Israel rất cần thêm tên lửa đánh chặn cho hệ thống phòng không Vòm Sắt mà Ukraine không có, hay Israel cần bom thông minh cho lực lượng phòng vệ trên không trong khi Ukraine có rất ít máy bay.

Tuy nhiên, dù đủ nguồn lực hỗ trợ thì việc chưa chọn được chủ tịch Hạ viện mới có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của Washington trong vấn đề viện trợ cho Israel và Ukraine. Theo các quy định hiện hành, Hạ viện Mỹ cực kỳ hạn chế về những gì có thể làm nếu không có chủ tịch. Tại thời điểm này, Hạ viện thậm chí không thể thông qua một nghị quyết ủng hộ Israel sau cuộc tấn công của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, trong khi có 400 trong tổng số 433 hạ nghị sĩ ủng hộ chứ đừng nói đến việc thông qua các gói tài trợ hỗ trợ an ninh phức tạp, theo chuyên san Foreign Policy.•

Dân Gaza khát nước sạch

Ngày 20-10, trong khi Israel đang ráo riết chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công vào Gaza thì khu vực này vẫn ở trong tình trạng mất điện, nguồn thực phẩm, nước uống cạn kiệt và các bệnh viện bên bờ vực sụp đổ.

Bà Hiba Tibi, Giám đốc địa phương của tổ chức phi lợi nhuận CARE West Bank & Gaza, cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu, nước và điện đã khiến các bệnh viện ở Gaza không thể hoạt động. Bà cũng cho biết việc khan hiếm nhiên liệu gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển nước sạch tới người dân, đồng thời khiến người dân Gaza phải sử dụng nước ô nhiễm vì các nhà máy cần nhiên liệu để xử lý nước, theo đài CNN.

Theo tuyên bố của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ở Gaza, hơn 60% cơ sở chăm sóc sức khỏe đã ngừng hoạt động và các bệnh viện đang trên bờ vực sụp đổ do thiếu điện, thuốc men, trang thiết bị và nhân viên chuyên môn. OCHA cũng cho biết việc người dân dùng nước từ các nguồn không an toàn, khiến nguy cơ bùng phát dịch truyền nhiễm, thậm chí là tử vong ngày càng cao.

Đến ngày 20-10, cửa khẩu Rafah của Ai Cập, cửa ngõ khả dĩ duy nhất để viện trợ nhân đạo, vẫn chưa được mở. Điều này đồng nghĩa với việc 20 chiếc xe tải đang chở viện trợ vào Gaza vẫn “đóng băng” tại cửa khẩu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm