Ngày 17-2, PLOđã có thông tin: “Triệu tập 3 người đăng văn bản giả cho học sinh học”. Theo đó vào chiều 17-2, Công an tỉnh Thái Nguyên đã làm việc với ba tài khoản Facebook là “Quỳnh Nga” do BTQN (trú tại TP Thái Nguyên) là chủ tài khoản; tài khoản “Bích Ngọc” do NTB (trú tại TP Thái Nguyên) là chủ tài khoản và trang fanpage “Yêu con người Phú Lương” do chủ tài khoản là BVN (trú tại huyện Phú Lương) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.
Qua công tác xác minh, các cá nhân trên đã đăng tải, chia sẻ thông tin có hình thức dạng văn bản giả mạo công văn của UBND tỉnh về việc cho học sinh, sinh viên trên địa bàn được tiếp tục nghỉ học do dịch bệnh COVID-19.
Những thông tin giả mạo trên gây hoang mang cho các bậc phụ huynh vốn đang chờ đợi thông tin chính thức về thời gian đi học trở lại. Nhiều bạn đọc PLO bày tỏ bức xúc trước hành vi này và thắc mắc hành vi đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?
Công an tỉnh Thái Nguyên làm việc với các đối tượng đăng tải văn bản giả mạo cho học sinh nghỉ học tránh COVID-19 vào 17-2. Ảnh: TUYẾN PHAN.
Trao đổi cùng PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp thông tin giả mạo sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Cụ thể khoản 1 Điều 101 của nghị định này có nêu: Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền đối với tổ chức.
Mặc khác, theo điểm a khoản 3 Điều Nghị đinh 117/2020, cá nhân có hành vi đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp sẽ bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng. Trước đây, khoản 2 Điều 5 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành vi trên với mức phạt từ 3-5 triệu đồng.
Cũng theo LS Tuấn, người dân nên theo dõi các thông tin về dịch COVID-19 qua các nguồn tin chính tin đáng tin cậy, chính thống như báo, đài. Tránh việc đăng tải các thông tin giả mạo, chưa được kiểm chứng để gây hoang mang cho bản thân, cộng đồng và vi phạm pháp luật.