Đang xét xử nguyên chủ tịch huyện Kỳ Anh cố ý làm trái

Bị cáo bị truy tố là Nguyễn Văn Bổng (nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiêm chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và sáu bị cáo nguyên là cán bộ ở huyện Kỳ Anh liên quan đến việc giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương (do Tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư) 

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Hồ Đức Quang. Thực hành quyền công tố tại phiên tòa là kiểm sát viên Nguyễn Văn Thưởng và kiểm sát viên Đặng Ngọc An (Trưởng và Phó phòng Nghiệp vụ VKSND tỉnh Hà Tĩnh).

Phiên tòa vắng mặt sáu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, do không ảnh hưởng đến tiến trình xét xử, HĐXX sơ thẩm quyết định vẫn tiếp tục xét xử.


Bị cáo Nguyễn Văn Bổng (đứng hàng đầu) cùng các bị cáo trước vành móng ngựa.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Tĩnh truy tố Bổng và Phạm Huy Tường (nguyên trưởng phòng TN&MT huyện Kỳ Anh, kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh), Lê Anh Đức (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng thị xã Kỳ Anh), Lê Xuân Nghinh (nguyên bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long), Lê Hữu Diện (nguyên chủ tịch UBND xã Kỳ Long), Lê Quang Hà (nguyên phó chủ tịch UBND xã Kỳ Long), về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 165 BLHS (khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù).

Truy tố Hồ Xuân Cường (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh), Lê Công Diếu (nguyên chủ tịch UBND xã Kỳ Phương) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo điểm d khoản 2 điều 165 BLHS (khung hình phạt từ ba năm đến 12 năm).

Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến 2009, trong quá trình thực hiện chủ trương bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Khu kinh tế Vũng Áng, thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh nay là thị xã Kỳ Anh), Bổng và cấp dưới biết rõ một số diện tích đất công do UBND hai xã Kỳ Long và Kỳ Phương quản lý không thuộc diện được nhà nước bồi thường. Tuy nhiên, Bổng và các bị can nêu trên đã cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước, của UBND tỉnh Hà Tĩnh để hợp thức 72,78 ha đất công do UBND 2 xã Kỳ Long (hơn 61 ha) và Kỳ Phương (hơn 11 ha) quản lý không thuộc diện đất được bồi thường thành “đất tranh chấp” và quy chủ cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ bồi thường để hưởng 100% tiền bồi thường đất nông nghiệp trái quy định của Nhà nước.

Cụ thể Bổng chỉ đạo Tường cấu kết Đức giao cho lãnh đạo các xã Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Phương (tức Diện, Nghinh, Hà, Diếu) tự thành lập tổ kiểm kê để lập biên bản kiểm kê việc sử dụng đất bồi thường 72,78 ha "đất tranh chấp" là đất nông nghiệp. Sau đó, hợp thức hóa toàn bộ diện tích đất công do địa phương quản lý nêu trên thành đất đã giao cho hộ dân sử dụng trước thời điểm 1-7-2004 để hưởng chính sách bồi thường 100% giá đất nông nghiệp.

Hành vi của Bổng và các bị can nêu trên đã gây thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng (trong đó tại xã Kỳ Long hơn 9,6 tỉ đồng, tại xã Kỳ Phương hơn 840 triệu đồng) trong ngân sách bồi thường của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư). Số tiền thất thoát hiện đã thu hồi.


Nguyễn Văn Bổng khi bị đọc lệnh khởi tố bị can.

Cơ quan chức năng xác định đối với số tiền thất thoát trên, Bổng và Tường phải chịu trách nhiệm hình sự toàn bộ số tiền thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng.

Đối với Diện, Hà, Nghinh và Đức phải chịu trách nhiệm về số tiền thất thoát tại xã Kỳ Long hơn 9,6 tỉ đồng. Diếu và Cường phải chịu trách nhiệm về số tiền thất thoát tại xã Kỳ Phương là hơn 840 triệu đồng.

Sáng 11-8-2015, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng đối với Tường, Đức, Diện, Hà về tội danh nêu trên. Đến sáng 20-10 -2015, Phòng PC46, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với Bổng và các bị can khác.

Những ngày qua, ông Bổng đang làm chuyên viên Văn phòng UBND thị xã Kỳ Anh.

PLO sẽ thông in diễn biến phiên xử trong các bản tin tiếp theo...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới