Đã có hơn 230 người chết, 109 người bị thương trong vụ đánh bom kèm xả súng kinh hoàng nhằm vào các tín đồ đang cầu nguyện tại đền thờ Hồi giáo Al Rawdah ở TP El Arish thuộc bán đảo Sinai (Ai Cập) chiều 24-11. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử hiện đại Ai Cập.
Một quả bom phát nổ giữa đền thờ ngay lúc các tín đồ đang chuẩn bị kết thúc buổi cầu nguyện. Sau đó khoảng 40 tay súng ngồi trên các xe jeep từ bên ngoài đền thờ xả súng từ mọi hướng vào dòng người đang hoảng loạn tháo chạy ra khỏi đền thờ.
Bên ngoài đền thờ Al Rawdah ở bán đảo Sinai (Ai Cập) sau vụ đánh bom xả súng kinh hoàng chiều 24-11 làm 235 người thiệt mạng. Ảnh: REUTERS
“Bốn nhóm tay súng nhắm bắn vào các tín đồ từ bên trong đền thờ chạy ra. Hai nhóm còn lại bắn vào các xe cứu thương để ngăn cản họ tiếp cận” - Reuters dẫn lời một nhân chứng tại hiện trường.
Hiện trường đẫm máu bên trong đền thờ. Ảnh: SINAI NEWS
“Lực lượng vũ trang và cảnh sát sẽ trả thù cho những người đã chết, khôi phục an ninh và ổn định bằng nỗ lực cao nhất. Điều vừa xảy ra là âm mưu ngăn chặn nỗ lực chống khủng bố của chúng ta” - Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi phát biểu trên truyền hình sau cuộc họp khẩn với các bộ trưởng quốc phòng, nội vụ và lãnh đạo tình báo.
Trên Twitter ngày 24-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là vụ tấn công khủng bố hèn hạ. Ông cũng đã gọi điện chia buồn với Tổng thống Sisi. Các ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Pháp Jean-Yves Le Drian cũng lên án vụ tấn công.
Cảnh đổ nát tại hiện trường. Ảnh: TWITTER
Vài giờ sau vụ tấn công kinh hoàng này, quân đội Ai Cập đã tiến hành không kích vào các mục tiêu vùng núi trong khu vực.
Chính phủ Ai Cập thông báo sẽ hoãn mở cửa biên giới Rafah với dải Gaza vì lý do an ninh. Nếu không có vụ tấn công này, cửa biên giới Rafah sẽ được mở trong ba ngày kể từ hôm nay (25-11).
Quang cảnh bên ngoài đền thờ Al Rawdah ở bán đảo Sinai (Ai Cập) sau vụ đánh bom xả súng kinh hoàng chiều 24-11 làm 235 người thiệt mạng. Ảnh: REUTERS
Bán đảo Sinai kéo dài từ kênh đào Suez đến dải Gaza và Israel, lâu nay là một mối lo về an ninh với Ai Cập. Khu vực này ngày càng mất an ninh trầm trọng kể từ khi ông Sisi thay thế Tổng thống Mohamed Mursi thuộc phong trào Anh em Hồi giáo.
Vụ đánh bom, xả súng nhắm vào đền thờ này cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật của các phần tử cực đoan ở Sinai, vốn nhiều năm nay ưu tiên tấn công quân đội, cảnh sát và các nhà thờ Cơ Đốc.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (giữa) họp khẩn với các quan chức an ninh, tình báo sau vụ tấn công. Ảnh: REUTERS
Hiện vẫn chưa tổ chức nào nhận trách nhiệm, tuy nhiên khả năng lớn là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Truyền thông địa phương cho biết một số lượng lớn tín đồ là người Sufis - một mục tiêu của IS vì xung đột tôn giáo. IS đầu năm nay đã đăng một đoạn video chặt đầu hai người Sufis ở Sinai. Chi nhánh ở Sinai đang rất được coi trọng sau khi IS thất thế tại Iraq và Syria.
Từ năm 2013, quân đội Ai Cập nỗ lực chống lại sự hoành hành của IS. Trong ba năm này, IS đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công khủng bố, làm chết hàng trăm cảnh sát và binh sĩ Ai Cập. IS cũng nhắm vào các bộ lạc địa phương ở bán đảo Sinai, bị IS cho là tai mắt của cảnh sát và quân đội Ai Cập.
Tháng 7 vừa rồi, ít nhất 23 binh sĩ thiệt mạng khi hai chốt kiểm soát quân đội ở Sinai bị đánh bom tự sát. Tháng 5, một nhóm tay súng tấn công một nhóm người theo đạo Cơ Đốc đi truyền giáo ở miền nam Ai Cập, giết chết 29 người.