Nhắc tới lương y Nguyễn Văn Hừng (ông Chín Hừng, 75 tuổi, ở ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre), hầu hết người dân trong xã đều biết tiếng ông chữa bệnh gãy xương, trật khớp, bong gân bằng bài thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm. Để chữa lành vết thương, vị “thần y” này chỉ cần vài thứ cỏ dại sẵn có ở địa phương như cỏ mực, rau trai, sống đời… để bó vết thương là khỏi. Gần 50 năm chữa bệnh giúp người, thù lao ông nhận được không gì ngoài những lời cảm ơn của người bệnh.
Ngôi nhà không bao giờ vắng khách
Nhà ông Chín Hừng nằm trong một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo khuất sau một vườn chôm chôm cách quốc lộ 57 khoảng 800 m. Ông Chín Hừng là truyền nhân đời thứ tư của gia đình theo đuổi nghề bó thuốc trị gãy xương. Ông kể từ nhỏ ông đã sớm nghỉ học, theo cha học nghề bó thuốc chữa gãy xương lúc 12 tuổi. Đến năm 25 tuổi thì ông đã thành thạo và được cha truyền cho bài thuốc gia truyền băng bó vết thương để chữa trị giúp người. Gần 50 năm nay, lương y Nguyễn Văn Hừng đã chữa trị miễn phí cho hàng vạn người vượt qua thương tật bằng bài thuốc gia truyền.
Nhà ông Chín Hừng hàng chục năm nay quanh năm suốt tháng không lúc nào vắng khách. Bệnh nhân đến đây được ông bó thuốc hoàn toàn miễn phí. Không chỉ người dân trong tỉnh Bến Tre tìm đến ông nhờ chữa trị mà người ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Nai,… cũng tìm đến ông. Những người đến đây chữa trị đều được ông cẩn thận ghi lại nhật ký tên tuổi, địa chỉ người bệnh. Chỉ trong năm 2017, số người bệnh mà ông chữa trị lên đến hơn 3.500 người.
“Đa số người bệnh tìm đến nhờ tôi bó thuốc là những người có hoàn cảnh khó khăn. Thấu hiểu được điều đó nên tôi không đòi hỏi chi tiền bạc, vật chất, cũng không mong người ta trả ơn mình. Bao công sức tôi bỏ ra không thu lại bất cứ đồng nào, miễn sao người bị thương tật khỏi đau, hồi phục sức khỏe là tôi đã quá vui mừng, không cần tính tiền công gì cả” - ông Chín Hừng tâm sự.
Ông Chín Hừng thăm khám và trị bệnh cho người dân. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Có không ít trường hợp bị gãy xương dù đã điều trị ở bệnh viện nhưng về vẫn đau nhức triền miên, nhiều người tìm đến ông Chín Hừng thì ông đều có cách chữa trị khỏi chỉ sau vài lần bó thuốc. Bà Trần Thị Tim (83 tuổi, ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết bà bị té gãy tay, dù đã đi bệnh viện điều trị nhiều tháng nhưng về nhà vết thương vẫn còn đau nhức, cánh tay bị gãy không thể cử động được. “Biết ông Chín Hừng chữa bệnh có tiếng ở vùng này nên tôi đã đến nhờ thầy băng bó vết thương. Băng bó xong tôi trả ơn, thầy không lấy tiền, còn dặn dò tôi vài hôm trở lại để thầy bó thêm vài lần nữa mới khỏi hẳn” - bà Tim xúc động nói.
Sẽ cho con nối nghiệp gia truyền
Gia đình ông Chín Hừng chẳng mấy khá giả. Nhà ông có gần 1,5 ha vườn trồng chôm chôm, công việc vườn tược đều do người vợ đảm đang của ông gánh vác để cho ông dành hết thời gian làm việc thiện. Mỗi ngày công việc chữa bệnh của ông Chín Hừng bắt đầu từ sáng đến trưa. Bà Chín (vợ ông Chín Hừng) thấy vậy cũng sớm hôm phụ giúp ông làm việc nghĩa. Ngày nào hai ông bà cũng thức dậy từ sớm chuẩn bị sẵn thuốc để sáng ra có thuốc bó cho người bệnh. Buổi chiều ông thường lặn lội khắp nơi để hái thuốc. Cây cỏ sau khi lấy về phải rửa sạch, xay nhuyễn chế biến theo bài thuốc gia truyền.
Hỏi ông về bài thuốc bí truyền, ông Chín Hừng điềm đạm nói: “Chỉ là mấy loại cỏ mực, rau trai, sống đời có sẵn ở quê mình thôi, cũng dễ kiếm, về xay nhuyễn làm thuốc để bó vết thương rất công hiệu”.
Gần 50 năm qua, ông không nhớ hết mình đã chữa trị cho bao nhiêu người. Chỉ biết mỗi ngày số người tìm đến nhà ông để nhờ chữa trị vết thương có khi lên đến hàng chục người. Thời gian đầu, để có băng vải mùng bó thuốc cho người bệnh, ông tự bỏ tiền túi ra mua. Nhưng vài năm gần đây, số lượng bệnh nhân quá đông, chi phí mua vải mùng để băng bó vết thương khá nhiều, vì vậy ông Chín Hừng nhận của mỗi người bệnh tùy lòng hảo tâm từ 5.000 đến 10.000 đồng để lấy làm chi phí mua vải mùng duy trì nghề băng bó thuốc.
Ông Chín Hừng tâm sự nghề bó thuốc là nghề gia truyền của gia đình hàng trăm năm nay do cha ông để lại, nay ông tuổi đã cao và có tâm nguyện sẽ truyền bài thuốc này lại cho con trai út nối nghiệp chữa trị miễn phí giúp người. “Dạo này lớn tuổi, sức khỏe tôi hơi yếu. Nhiều lần con cháu khuyên tôi nên nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già nhưng nhìn thấy người bệnh đau đớn tôi không thể nào mà đứng im được” - ông Chín Hừng chia sẻ.
Với những công lao đã đóng góp thầm lặng vì người bệnh, năm 2013 lương y Nguyễn Văn Hừng đã được bộ trưởng Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Năm 2015 ông được Ban chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đông y vì đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp thừa kế, phát huy, phát triển nền Đông y Việt Nam. Không chỉ vậy, ông Chín Hừng không thể nào quên chuyến đi Hà Nội tham dự “Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất” và nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vào năm 2007. “Đây là vinh dự cho gia đình tôi vì mình nằm trong số hơn 900 đại biểu đại diện cho hơn 13 triệu gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc từ 64 tỉnh, thành phố trong cả nước” - ông Chín Hừng nói. |