Bởi lẽ phẫu thuật tim là một trong những ngành đòi hỏi kỹ năng, tâm sức và thời gian học tập rất dài. Sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam, BS Phan có thêm chín năm học tập ở Pháp và rồi trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tim ở Việt Nam.
Nhưng đó không phải là điều đặc biệt. Biết bao lần BS Phan cùng bạn bè về miền Tây trực tiếp khám tim cho trẻ em. Hành động đơn giản này đã cứu được nhiều trẻ khỏi lưỡi hái tử thần. Có gia đình khăng khăng con mình bị bệnh tim, các bác sĩ trong đoàn khám và kết luận: Trẻ chỉ bị suy dinh dưỡng thôi, ăn uống đầy đủ là khỏe mạnh hơn. Chỉ một kết luận ấy đã đem lại niềm vui cho cả một gia đình.
Nhưng không chỉ có BS Phan, tôi gặp rất nhiều bác sĩ khác mà công việc của họ không chỉ là chẩn đoán, kê đơn và phẫu thuật. Chẳng hạn BS Nguyễn Đăng Phấn, từng làm việc ở khoa Cấp cứu 1, BV Bình Dân. Mỗi khi khám bệnh, BS Phấn thường hỏi về kinh tế gia đình, nhà có khó khăn không, nhà bệnh nhân xa không để làm sao điều trị cho bệnh nhân với chi phí thấp nhất, tiện lợi nhất để bệnh nhân còn về với gia đình.
Cái đáng nể phục nhất ở BS Phấn mà nhiều đồng nghiệp, học trò công nhận là người không bao giờ từ chối, đến những căn bệnh thế kỷ HIV hay lao. Phòng khám cho bệnh nhân có HIV của bác sĩ tại 44 Tú Xương đã từng là nơi gieo niềm hy vọng, tăng thêm niềm vui cho biết bao bệnh nhân vốn rất gần với tử thần.
Tôi không thể kể hết những lương y từ mẫu mà tôi đã gặp trên khắp đất nước này.
Hôm nay, 27-2, ngày vinh danh người thầy thuốc, những người ngày ngày tiếp xúc với bệnh nhân, với nỗi khổ cùng cực của nhân loại. Dù vẫn còn những tồn tại trong ngành y, trong bệnh viện như vấn nạn phong bì, thái độ tắc trách mà báo chí nhiều lần phản ánh… Nhưng chắc chắn rằng: Sứ mạng cứu người vẫn luôn ngự trị trong tâm hồn những người khoác trên mình áo blouse trắng.
Những khó khăn của ngành y, của các bệnh viện, của cơ chế chắc chắn không nhiều thì ít đã ảnh hưởng và là nguồn cơn của nhiều tiêu cực mà xã hội lên tiếng. Nhưng ở góc độ nhân văn nhất, bác sĩ chính là một nghề mà những tư lợi, bon chen, tranh giành, đố kỵ không có chỗ. Thay vào đó là hy sinh, cống hiến và đồng cảm với nỗi đau của con người.
Nếu một lần nào đó đọc lời thề Hippocrates mà các sinh viên y khoa phải đọc trước khi tốt nghiệp, bạn sẽ thấy trách nhiệm của một bác sĩ là vô cùng nặng nề. Họ phải chỉ dẫn có lợi nhất cho bệnh nhân, phải tránh xa bất công, không trao thuốc độc cho người bệnh, không trao thuốc gây sảy thai, tránh mọi hành vi xấu xa và ý đồ đối với phụ nữ. Nhưng trên hết, họ phải thề: “Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”.
Có thể sẽ có lúc và có những bác sĩ không nằm lòng lời thề thiêng liêng này. Và ngày Thầy thuốc Việt Nam có lẽ là dịp trang trọng nhất để nhắc lại lời cam kết cuối trong lời thề này rằng:
“Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm, tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở”.