Trước những tình huống dễ rơi vào cái bẫy “nỗi oan Thị Kính” như vậy, cả hai phía bệnh nhân và bác sĩ đều cần phải có những biện pháp kỹ thuật để tự bảo vệ mình.
Thời sinh viên y khoa thực tập ở BV Từ Dũ, cái cảm giác đầu tiên của bọn sinh viên ngây thơ, trong sáng bị ném vào canh mấy bà bầu đi điều trị và đi sinh - thật là... ớn lạnh.
Mùi tanh đặc trưng ở phòng khám
Vừa bước vào phòng là ngửi cái mùi tanh, lợm giọng đặc trưng. Nhìn mấy bà nằm tơ hơ réo tên chồng mà chửi trong cơn đau đẻ, chúng tôi mất hết cả hứng thú, mặc dù có người cũng rất đẹp khi mang bầu.
Rồi sang học khám phụ khoa, da liễu... cứ thấy các em xinh đẹp mặt hoa da phấn leo lên bàn khám là cầm bằng nhìn phía dưới chỉ có buồn nôn! Những ai từng cầm qua đốt sùi mào gà, từng khám mấy em bị nấm loét toe hoe xanh đỏ, cảm giác mới ớn lạnh đến nhường nào! Như vậy hỏi bác sĩ (BS) có còn cảm xúc nữa không? Trước những tình huống như vậy có phải uống thuốc diệt dục gì gì đó không? Xin thưa trừ mấy người bệnh hoạn, còn lại nam BS nào chưa bị thần kinh đều... mất lửa khi tiếp xúc với các bệnh nhân này chứ đừng nói chi mà ham với hố!
Bác sĩ sản phụ khoa dễ bị vu oan
Bản thân BS tim mạch, da liễu và sản phụ khoa là những người dễ bị vu oan giá họa nhất vì khi khám chỉ mình ta với ta, có minh oan cũng chẳng ai làm chứng! Vì vậy lúc học ở trường y, các thầy cô khuyên học trò hết sức cảnh giác với chiêu trò này của bệnh nhân nữ. Khi khám cũng nên có người thứ ba là điều dưỡng chứng kiến, đề phòng thảm họa! Tiếc thay trong quá trình làm việc, có phòng mạch không đủ tiền mướn y tá hoặc thậm chí có bệnh viện hạng sang cũng không thèm làm điều này vì sợ thừa người phải trả lương thêm và thế là một ngày đẹp trời nào đó, con mồi sập bẫy!
Đau tim sao lại khám... cái đó?
Tôi còn nhớ cách đây vài ba năm, một đồng nghiệp khám tim mạch ở BV TN bị vu oan tại sao khám tim lại sờ... cái đó. Đến khi hỏi rõ ngọn ngành mới biết bệnh nhân này bị hẹp eo động mạch chủ nặng, BS cần phải bắt mạch bẹn để thăm khám đúng quy trình! Trong cuộc đời làm nghề của mình, có không ít lần tôi phải giải thích cho bệnh nhân vì sao phải khám ở bẹn trong khi mổ tim như thế. Làm như thế tôi chưa bao giờ bị... vu oan. Nghề nào không biết chứ gây mê tim mạch, bệnh nhân trần truồng như nhộng “nguyên con” nằm trước mặt. Ngày nào BS cũng thấy đủ thể loại, đủ màu sắc, đủ lứa tuổi, đủ kích thước... Chắc là chẳng cần phải diệt dục, BS cũng sợ chạy mất dép. Họ chán ngán những hình ảnh này như một thực thể vô hồn! Chúng tôi từng “tự hào” vì chỉ có nghề y là nghề kêu thiên hạ cởi đồ cho coi mà còn bắt phải trả tiền. Các nghề khác nếu muốn thế chắc phải trả cỡ 16,5 tỉ đồng là ít! Chưa kể, một số cô gái đi mổ tim mà đã lỡ độn ngực, xăm môi, sơn móng tay... thì BS gây mê cực ghét! Bởi lẽ những thứ độn kia nó che giấu tất cả dấu hiệu có thể quan sát được khi bệnh nhân bị mất máu, những túi độn ngực cũng là nguyên nhân khó làm siêu âm qua thành ngực, sai lệch rất nhiều khi chẩn đoán. Vậy nên khi các bệnh nhân này vào, BS phải sờ bằng tay để xác định chỗ nào không bị độn rồi mới lách đầu dò vào để xem cho rõ!
ThS-BS TRƯƠNG TRỌNG HOÀNG, Phó Chủ nhiệm bộ môn Y đức - Khoa học hành vi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Bệnh nhân nữ cần đòi có mặt điều dưỡng Quan hệ thầy thuốc với bệnh nhân là một quan hệ hết sức đặc biệt do xã hội giao phó. Thầy thuốc có nhiều quyền đặc biệt trên bệnh nhân. Vì thế thầy thuốc cũng có nhiều nghĩa vụ đối với bệnh nhân. Từng cử chỉ, thái độ, lời nói của thầy thuốc đều ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân. Vì thế thầy thuốc phải hết sức để ý đến lời nói và cả những biểu lộ không lời. Trong trường hợp bệnh nhân nữ nhận định BS nam khám bệnh có hành vi lợi dụng, sàm sỡ thì mạnh dạn lên tiếng. Nếu BS này vẫn tiếp tục có thái độ khiếm nhã thì bệnh nhân nữ kiên quyết từ chối khám bệnh và ra ngoài. Sau đó trình báo vụ việc với cơ quan chủ quản. Trong trường hợp BS nam khám bệnh cho bệnh nhân nữ, nhất thiết phải có mặt nữ điều dưỡng (người thứ ba) để tránh tình trạng bị bệnh nhân nữ “tố” những vụ việc không đúng sự thật. BS ở phòng khám chỉ được khám bệnh theo đúng phạm vi chuyên môn cho phép. Nếu hoạt động ngoài chuyên môn cho phép là sai quy định. Trong lễ tốt nghiệp, tất cả sinh viên ngành y đều đọc và nguyện làm theo lời thề Hippocrate. Ở Việt Nam, lời thề Hippocrate còn gọi là lời thề y đức. Lời thề Hippocrate nguyên thủy có nội dung như sau: “Nhân danh Apollon, người thầy thuốc, nhân danh Aklepies, Hygeia và Panakeia với tất cả nam nữ thánh thần chứng giám cho tôi, tôi xin thề mang hết cả khả năng và suy xét của tôi, làm tròn lời thề và bản cam kết này… Tới nhà ai, tôi cũng chỉ vì quyền lợi của bệnh nhân, sẽ tránh tất cả hành động đồi bại và nhất là những cử chỉ lả lơi trên thân thể nữ giới cũng như nam giới, bất kể người đó là người tự do hay nô lệ…”. TRẦN NGỌC |
Đồng Nai: Ngày 3-10, BS L. (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị một cô gái cùng người nhà kéo đến đòi làm cho ra lẽ vì nói rằng bác sĩ đã “làm bậy” trong lúc khám phụ khoa. Theo lời của cô gái, BS L. đưa chị vào phòng khám phụ khoa kêu cởi đồ, nằm xuống để khám. Sau đó, BS L. sờ khắp người rồi dùng tay ngoáy vào bộ phận sinh dục của bệnh nhân. Bệnh nhân kêu đau và nhìn xuống, không ngờ bác sĩ đang “đưa vào” bộ phận của bệnh nhân. Tuy nhiên, BS L. cho rằng mình bị hại và đang tố bệnh nhân tống tiền ông. Bình Dương: Theo đơn tố cáo của chị N., ngày 9-5, chị đến phòng khám đa khoa HH4 (quốc lộ 13, thị xã Thuận An, Bình Dương) để đặt vòng tránh thai. “Lúc đầu BS ngồi để khám, sau đó BS đứng dậy kêu tôi nằm tụt xuống phía dưới băng ca thêm một chút nữa, rồi BS đứng sát vào người tôi. Trong lúc đó BS đặt tay vào chỗ tôi kêu đau xoa xoa. Do đau quá, tôi cứ tưởng BS cho tay vào chỗ kín để khám, miệng BS thì liên tục hỏi chuyện quan hệ vợ chồng… Thấy nghi ngờ, tôi ngóc đầu dậy nhìn thì thấy BS đang cho “của quý” vào chỗ kín của tôi…” - chị N. viết trong đơn tố cáo. BS Nguyễn Thế Vượng, Giám đốc chuyên môn kiêm thanh tra của phòng khám này, cho biết: “Nếu BS L. tự ý đưa bệnh nhân vào phòng và thực hiện thăm khám khi không có người thứ ba là nhân viên điều dưỡng là hoàn toàn trái với quy định của phòng khám”. |