Đây là đề tài bàn tán trong các cuộc trà dư tửu hậu và một số trang mạng suốt mấy ngày qua.
Nhiều người tỏ ra bức xúc khi hình ảnh người Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mắt người nước ngoài. Cùng thời điểm này, Tổng Công ty Cảng hàng không đề xuất gắn camera trên người các nhân viên bốc xếp hàng hóa ở phi trường, do liên tiếp xảy ra những vụ hành lý của khách đi máy bay bị cạy lấy đồ bên trong.
Có thể đề xuất này là cần thiết để loại trừ những hành động “nhám tay” nhưng nghe ra khá chua xót, cay đắng đối với nhân sự của bộ phận này nói riêng và toàn thể ngành hàng không nói chung! Đúng là con sâu làm rầu nồi canh.
Câu nói của người xưa “bần cùng sinh đạo tặc” có lẽ cũng cần xét lại. Ít nhất trong một số trường hợp. Một sự việc hết sức bất ngờ với tôi: Buổi sáng tôi đang ngồi đọc tờ báo có cái tin phi công Việt bị tạm giữ ở Nhật nói trên, tình cờ nghe được mẩu đối thoại giữa vợ chồng người chạy xe ba bánh thu gom rác trong xóm đang dừng trước nhà.
Tiếng người chồng:“Lành cho sạch, rách cho thơm, bà coi của ai thì trả lại cho người ta. Không phải của mình mà lấy thì của thiên cũng trả địa thôi”. Tiếng người vợ: “Thơm gì cái nghề hốt rác thúi hoắc. Tôi lượm được chứ tôi có ăn cắp ăn trộm của ai đâu”.
Câu chuyện đứt quãng một lúc lại có tiếng người chồng nhẹ nhàng: “Thì tôi có nói bà ăn cắp ăn trộm đâu. Chắc là có ai đó sáng sớm vội vàng đổ rác làm rớt, mình lượm được thì trả lại cho người ta. Cái bao màu xanh đó tôi mới quẳng lên đây, chắc là của nhà đầu ngõ”.
Tiếng người vợ có vẻ xuôi theo chồng: “Thì ông bước lại đập cửa nhà đó hỏi thử coi”. Vừa lúc đó một phụ nữ hớt hải chạy đến hỏi vợ chồng người thu gom rác: “Anh chị cho tôi coi lại cái bao vải xanh, tôi bị rớt cái lắc…”. Tiếng bà hổn hển, đứt quãng, có lẽ vì mệt và hoảng hốt.
Tôi vội vàng mở cửa ra xem. Chị vợ người gom rác lấy trong túi áo ra chiếc lắc vàng Tây, chị chà xát, lau cái lắc vào tay áo: Có phải chị mất cái này? Người phụ nữ nọ có vẻ là người giúp việc nhà. Chị ôm choàng người đàn bà gom rác.
Chiếc lắc vàng Tây đó là cả một tài sản dành dụm của chị. Rồi hai người phụ nữ nói gì với nhau tôi không nghe rõ nhưng tiếng cười của họ vang lên trong tôi một cảm xúc khó tả.
Tôi bần thần đứng nhìn theo chiếc xe gom rác cùng hình ảnh vợ chồng người phu rác tiếp tục làm những công việc bình thường hằng ngày của họ mà trước nay tuy vẫn nhìn thấy nhưng tôi chẳng mấy quan tâm, thậm chí cố tránh xa vì mùi hôi thúi khó chịu: Người chồng thu gom các bao rác quẳng lên xe, người vợ đổ rác ra rồi dùng một cái que sắt cào bới tìm những bao nylon, nhôm nhựa hay giấy báo cũ bỏ vào cái bao tải treo lủng lẳng bên hông xe.
Những công đoạn đơn điệu ấy lặp đi lặp lại mỗi sớm tinh sương trong mùi hôi thúi nồng nặc nhưng sáng nay tôi lại thấy dễ chịu. Cám ơn một ngày mới tươi đẹp.