Danh hiệu Kiến trúc sư Nhân dân, Nhà văn Ưu tú: Cần không?

(PLO)- Giá trị của người nghệ sĩ là công trình nghiên cứu, thành quả trong công việc, uy tín đồng nghiệp, dư luận xã hội, chứ không ở giấy khen, bằng khen hay tước vị học hàm. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trong vai trò cơ quan tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”.

PLO ghi nhận ý kiến của giới kiến trúc sư, nhiếp ảnh, văn học ... xung quanh vấn đề còn tranh luận này

KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Nên thay "danh hiệu nghệ sĩ" thành "Huân chương nghệ sĩ"

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: NVCC

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: NVCC

Qua kiến nghị của Đại biểu Quốc hội về việc có thêm danh hiệu Kiến trúc sư Nhân dân, Kiến trúc sư Ưu tú, Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú, có lẽ nên xem lại tầm quan trọng của việc nên chuyển khen thưởng “danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và Nghệ sĩ ưu tú NSƯT ” thành “huân chương nghệ sĩ” một cách bình đẳng cho tất cả các bộ môn nghệ thuật:

(1) Tiêu chí “bình đẳng”

Tôi nghĩ trong Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các ngành nghề, các hội chuyên ngành nên bình đẳng. Những tiêu chí, quyền lợi, khen thưởng nên có sự bình đẳng giống nhau về phương thức khen thưởng và cách xét duyệt.

(2) Tiêu chí khen thưởng là “huân chương nghệ sĩ” thay cho “Danh hiệu nghệ sĩ”

Tôi nghĩ nên xem là “huân chương nghệ sĩ” nhằm ghi nhận những thành tựu đã đạt được đến thời điểm khen thưởng, thay cho “Danh hiệu nghệ sĩ” có thể mang theo suốt đời. Trong đó cần lưu ý:

Nếu hiểu Nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu cao nhất mà nhà nước Việt Nam trao tặng cho những người tài hàng đầu trong các lĩnh vực nghệ thuật, thì với việc tăng thêm tiêu chuẩn xét duyệt cho các lãnh vực văn học, nhiếp ảnh, kiến trúc,... theo nguyên tắc bình đẳng, sẽ dẫn đến việc “lạm phát” số lượng nghệ sĩ lên trên hàng nghìn người trong thời gian tới.

Quy trình xét duyệt “Danh hiệu nghệ sĩ” còn mang nặng hình thức “xin cho”, do đó rất nhiều nghệ sĩ xứng đáng không được trao danh hiệu chỉ vì họ từ chối làm hồ sơ “xin” được khen thưởng. Sẽ công bình và hiệu quả hơn khi thay điều đó bằng việc xét duyệt tặng “huân chương nghệ sĩ” đi kèm với việc xét duyệt theo hình thức đề cử, thay cho hình thức “xin cho”.

Việc khen thưởng “huân chương nghệ sĩ” thay cho “Danh hiệu nghệ sĩ” là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Điển hình là Pháp (Bắc đẩu bội tinh), Mỹ (Huân chương nghệ thuật quốc gia - National Medal of Arts), Nhật (Huân chương Mặt trời mọc), Nga (đang có đề xuất bỏ khen thưởng “Danh hiệu nghệ sĩ” và thay thế bởi một huân chương)…

Nhà báo - Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn:

Hãy để nhân dân, cộng đồng đánh giá tôn vinh và tặng danh hiệu

Nhà báo - Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn. Ảnh: NVCC

Nhà báo - Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn. Ảnh: NVCC

Đây là một điều mới đáng để được lưu tâm. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một điều tốt nhằm khuyến khích, tôn vinh những người nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho cộng đồng cho đất nước. Tuy nhiên, tôi được biết từ trước đến nay việc trao danh hiệu cho nghệ sĩ sân khấu cũng khá phức tạp. Mỗi lần xét duyệt lại nhiều lùm xùm không được trọn vẹn lắm nên tôi nghĩ nếu có chủ trương thì nên quy định thủ tục đơn giản hơn và tránh được những tiêu cực như nể nang, thiên vị.

Tôi cũng cho rằng nếu thực sự là một nghệ sĩ hãy để nhân dân, cộng đồng đánh giá tôn vinh và tặng danh hiệu. Còn nhà nước tặng danh hiệu thì cuối cùng chỉ chú trọng đến những người là hội viên, có tổ chức mới được trao nhưng hiệu quả họ đem lại rất ít còn những người làm tự do cống hiến hết mình thì lại không được chú trọng để ý tới.

Nhà văn Tống Phước Bảo:

Khi cho văn chương một đời sống rộn ràng hơn thì hãy nghĩ đến những danh hiệu “ưu tú” hay “nhân dân".

Nhà văn Tống Phước Bảo, bút danh Trúc Thiên. Ảnh: NVCC

Nhà văn Tống Phước Bảo, bút danh Trúc Thiên. Ảnh: NVCC

Là người viết trẻ, với Bảo thì đề nghị này cho thấy nhà nước, các cơ quan ban ngành đã quan tâm và có những sự ghi nhận tích cực cho Văn chương và các nhà văn. Tuy nhiên, với những nhà văn, thiệt ra danh hiệu mong ước nhất chính là từ độc giả trao tặng. Sự yêu thương và đón nhận cũng như lan toả văn chương của độc giả mới là điều cần thiết với một nhà văn, nhất là thời đại này, khi văn chương đang bị cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức nghe đọc giải trí khác phát triển theo công nghệ.

Đã có nhiều hình thức ghi nhận sự cống hiến của một nhà văn như tặng thưởng Hồ Chí Minh, các tặng thưởng của Hội, của Liên Hiệp, vậy thêm một danh hiệu nữa có nâng tầm văn chương của chúng ta không? Hay lại gây nên nhiều trái chiều dư luận của việc xét tặng mà chúng ta thấy hằng năm đề rộn ràng theo mùa.

Cấp thiết nhất với văn chương bây giờ vẫn là những quyết sách mở ra cho văn chương con đường phát triển; ủng hộ văn chương bằng các nguồn quỹ, kinh phí; tạo các cơ chế để người viết sống được nghề; những chương trình đem văn chương đến gần công chúng độc giả trên bình diện sâu và rộng…

Khi nhà văn sống được bằng nhuận bút thì sự cống hiến của họ sẽ trọn vẹn, toàn tâm ý và văn chương chúng ta khi đó mới tiếp cận được thế giới. Khi cho văn chương một đời sống rộn ràng hơn thì hãy nghĩ đến những danh hiệu “ưu tú” hay “nhân dân".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm