Trong ba yếu tố mà con người thường khao khát: Tiền tài, danh vọng và tình yêu, người nghệ sĩ chân chính có thể khước từ tất cả - ngoại trừ điều thứ ba. Bản thân danh họa Vincent Van Gogh, trong một lá thư viết cho em trai cũng đã khẳng định: "Một ai đó muốn trở thành nghệ sĩ thì người ấy cần có tình yêu" và "muốn diễn tả trong tác phẩm của mình cảm xúc ấy thì phải tự mình nếm trải", phải "sống theo mệnh lệnh trái tim". Tiếc thay, để "nếm trải" những cảm xúc nói trên, nhà danh họa Hà Lan - tác giả những bức vẽ hiện được coi là đắt giá nhất hành tinh đã từng phải ở vào những cảnh huống vô cùng trớ trêu và bi đát...
Chân dung tự họa của Van Gogh.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất của Van Gogh (29/7/1890 - 29/7/2010), chúng tôi xin điểm qua một số những tình tiết đã làm nên bi kịch của nhà danh họa...
Sau một vài năm lang thang đây đó, "tập sự" với đủ các nghề (trong đó có nghề... truyền giáo), Van Gogh trở lại ngôi nhà thời thơ ấu của mình, tạm nương thân dưới bàn tay che chở của cha mẹ. Tại đây, trong một bữa ăn, ông đã gặp người chị họ tên gọi Kee Vos - Stricker, có chồng vừa chết trong một vụ tai nạn. Kee trên Van Gogh tới 7 tuổi và cặp kè bên cạnh người góa phụ trẻ này là cậu con trai 8 tuổi.
Ẩn giấu dưới mái tóc đen mượt của góa phụ là đôi mắt đượm buồn. Van Gogh tìm thấy trong đó một vẻ đẹp thẳm sâu khiến tâm hồn ông như rung lên, xao xác. Một sự đồng cảm chợt đến như tia chớp, chạy xuyên qua tim người nghệ sĩ.
Ít ngày sau đó, người ta thường thấy Van Gogh quẩn quanh bên Kee, tìm mọi cách chơi đùa với cậu con trai của chị như thể đó là con mình. Rốt cục thì những lời tỏ tình "rối ren" cũng được lắp bắp thốt lên từ miệng của con người vụng về ấy. Kee nghe mà ngỡ ngàng. Hình ảnh người chồng bạc mệnh vẫn ngày đêm trở đi trở lại trong tâm trí chị, khiến chị khó có thể nghe được một thứ tiếng gì từ cuộc sống bên ngoài vọng lại: Kee cảm thấy rất khó xác định được cái con người có vóc dáng xù xì, góc cạnh, có điệu bộ kỳ quặc ấy đang đòi hỏi gì ở mình.
Một ngày hè, trên cánh đồng rực vàng sắc màu của lúa và của nắng, Kee chăm chú đứng ngắm Van Gogh đang khom mình cầm cọ sơn phết từng mảng màu lên nền bức tranh. Bất chợt nhà họa sĩ quăng cọ sơn xuống lề đường, quay sang ôm chặt lấy Kee. Kee hoảng hốt vùng vẫy, bất chấp ánh mắt như nài nỉ, như van xin của kẻ si tình mà chị cho là đã mất trí, đã điên loạn. Thằng bé thấy mẹ trong tình cảnh vậy khóc thét lên.
Ngay sau đó, Kee bỏ chạy về nhà cha mẹ Van Gogh. Đến sáng hôm sau thì hai mẹ con bồng bế nhau về nhà cha mẹ đẻ của mình ở Amsterdam.
Để chứng minh mình không phải một kẻ giang hồ bệnh hoạn, một tên súc vật dâm đãng, sau sự kiện "bất bình thường" đó, Van Gogh đã lần dò theo bước chân Kee. Và khi đối diện với ngôi nhà của cha mẹ Kee, ông đã cầu xin họ cho ông được bày tỏ tình yêu của mình với con gái họ bằng một hành động... điên rồ: "Hãy cho tôi nhìn thấy cô ấy trong thời gian tôi để tay trên ngọn lửa này". Nói rồi, ông bước tới bên ngọn đèn dầu, nhấc bỏ chiếc bóng của nó ra rồi đưa bàn tay của mình lên trên... ngọn lửa! Kee gần như không thể chịu nổi hành động ấy của Van Gogh, cô ngất xỉu trên tay mẹ. Thấy vậy, cả nhà Kee xông vào mắng nhiếc nhà họa sĩ trẻ thậm tệ, rằng đó là một hành động man rợ, rằng ông là một kẻ quái dị, điên khùng... Song song với những lời xỉ vả đó, họ tống ông ra khỏi nhà. Bố của Van Gogh sau khi biết tin này cũng quyết định cắt sự hỗ trợ tài chính cho con trai.
Không đến được với tình yêu, nhà họa sĩ đành tìm niềm an ủi trong men rượu. Các tửu quán giờ đây đã trở nên những người bạn thân thuộc của Van Gogh.
Và rồi một lần, trong chiều muộn, tại một quán rượu ở Den Haag, họa sĩ bắt gặp một thiếu phụ, tuổi chừng ba mươi, dáng người dặt dẹo, vẻ mặt bị "ma men" làm cho biến sắc. Với chiếc bụng vượt mặt (không rõ "xuất xứ" từ đâu) chị ta ngồi rũ rượi trước một cái bàn. Như đồng cảnh ngộ, Van Gogh lân la đến bên hỏi chuyện. Người đàn bà giới thiệu tên mình là Clasina Maria Hoornik, thường được mọi người gọi đơn giản là Sien. Sien hiện đang trong tình cảnh "vô nghề nghiệp" (là chị ta nói vậy, kỳ thực người đàn bà này từng sống bằng nghề bán dâm). Chị ta kể đôi nét về cuộc đời mình, rồi sặc sụa cười, bất thần ngưng lại, rồi lại bất chợt khóc rưng rức.
Van Gogh lắng nghe, cảm thấy trong đó có bóng dáng những ngày tháng đã qua của cuộc đời mình. Nỗi cay đắng của người bị cộng đồng xã hội khinh miệt, rủa nguyền tạo cho ông sự đồng cảm với người đàn bà cô đơn, bất hạnh nọ. Bỗng chốc ông muốn hợp sức với con người "bờ bụi" ấy để gây dựng lại cuộc đời đã nhiều đổ vỡ, tạo một nguồn ánh sáng mới cho cảm hứng sáng tác... Chẳng mấy khó khăn khi người đàn bà đáp ứng yêu cầu của nhà họa sĩ giã từ tửu quán, chị theo Van Gogh về ở trong xưởng vẽ của ông.
Tất nhiên, để "kiến tạo" nên một cuộc sống mới, đối với con người vốn dĩ nghèo khó như Van Gogh đâu có giản đơn. Đã thế, Sien lại còn dẫn thêm về xưởng của Van Gogh đứa con khác của chị (bên cạnh đứa trẻ mới sinh sau ít ngày chị về với Van Gogh). Tuy nhiên, Van Gogh là một người đàn ông thực sự có tấm lòng rộng mở. Trong sự nghiêm túc, chín chắn, Van Gogh đã nghĩ tới việc kết hôn với Sien.
Ý định này của ông đã khiến những người thân, đặc biệt là cha mẹ ông, phản đối. Dưới cái nhìn của họ, Sien là một người đàn bà hư đốn, là một thứ "của nợ" đối với đứa con trai "ngờ nghệch" của họ. Mặc dù áp lực gia đình khiến Van Gogh không khỏi tuyệt vọng, song ông vẫn khẳng khái tuyên bố: "Dù thế nào tôi cũng vẫn nhất quyết không bỏ rơi cô ấy!". Trong lá thư gửi em trai Theo Van Gogh (người hiểu Vincent Van Gogh nhất trong gia đình, song cũng là người không tán thành chuyện cưới xin giữa anh trai và người đàn bà "giang hồ" kia), Vincent Van Gogh đã nói nỗi vò xé trong tâm hồn mình: "Nếu anh trả lời: Theo, em có lý và khước từ Sien, thì trước nhất là anh đã dối lòng mình, thứ nữa - anh đã làm một việc đểu cáng!".
Nhưng sự đời đâu phải cứ cố giữ mà được! Sự tan vỡ của một cuộc hôn nhân nhiều khi phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến vai trò của một trong hai người "trong cuộc" đó nữa chứ. Sien là một người đàn bà tốt bụng, song cuộc sống bùn nhơ trước đây chị đã ngụp lặn khá sâu, dấu vết của nó không dễ dàng tẩy rửa, càng không thể nói không có ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại, nhất là khi nó tồn tại chênh vênh dưới áp lực của đồng tiền. Đã có không ít lần giữa chị và nhà họa sĩ nổ ra những cuộc va đụng, cãi vã nảy lửa... Thường thì, vốn bản chất nhân hậu, sau những đận như vậy, Van Gogh lại "xuống nước". Vốn dĩ ông luôn nhìn thấy ở Sien hình ảnh một người phụ nữ thật thà, chất phác...
Tuy vậy, sự việc đã bung vỡ sau một lần, Sien vừa nghẹn ngào ôm hôn mái tóc hung đỏ của Van Gogh vừa xin ông thứ lỗi, rằng thì chị không thể dối lừa ông thêm được nữa. Rằng trước nay chị vẫn "ngựa quen đường cũ", vẫn quan hệ với nhà thổ và bây giờ chị đã giao con cái cho mẹ đẻ trông nom để trượt hẳn theo "nghề" đó.
Chia tay Sien, Van Gogh cũng từ biệt Den Haag để đến Drenthe, một tỉnh nằm ở phía bắc Hà Lan. Ông sống một thân một mình tại đây cho đến cuối năm (1883) thì chuyển về sống với bố mẹ ở Nuenen. Tại Nuenen, Van Gogh tập trung tất cả tinh lực vào việc sáng tác. Mùa thu năm sau, một phụ nữ tên gọi Margot Begemann, bấy giờ tuổi đời đã trên bốn mươi, là con một người hàng xóm bỗng "dở chứng" đem lòng yêu chàng họa sĩ trẻ kém mình tới cả chục tuổi. Rất bất ngờ là Van Gogh cũng vui vẻ đáp lại tình cảm này và suýt nữa thì hai người đã đi đến hôn nhân nếu không có sự phản đối quyết liệt của gia đình đôi bên. Sau sự cố này, Margot đã uống thuốc độc tự tử, may mà Van Gogh kịp đưa người tình tới bệnh viện.
Có thể nói, với Van Gogh, phụ nữ không chỉ là đề tài, là nguồn khích lệ sáng tạo lớn lao đối với ông mà nó thực sự là một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, nước uống. Trong thư viết cho em trai, ông thổ lộ rằng: "Không thể nào sống lâu dài thiếu phụ nữ mà không bị trừng phạt".
Và Van Gogh đã bị "trừng phạt" thực sự. Sau khi chia tay Sien, chia tay Margot là những năm tháng "sấp bóng" trong cuộc đời nhà danh họa. Những cơn trầm uất, những pha điên loạn, là hành động cắt đứt tai trái và cuối cùng, bên bức tranh "Đàn quạ đen trên cánh đồng lúa vàng" còn chưa khô màu, người họa sĩ tiên phong của trường phái tranh Dã thú ấy đã rút súng bắn thẳng vào ngực mình, kết thúc cuộc đời đầy tủi nhục, buồn đau ở cái tuổi còn hết sức trẻ trung. Năm ấy - 1890, Van Gogh mới 37 tuổi. Cũng trong năm này, người ta ghi nhận Van Gogh đã vẽ nên những kiệt tác hiện được rao bán với giá "khủng khiếp"...
Theo Đặng Vân Phúc (VNCA)