Đánh phí ATM: Ngân hàng lại muốn tận thu

Hôm qua, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội Thẻ, cho biết khoảng 100% các ngân hàng đồng lòng muốn thu phí giao dịch ATM. Dự kiến sẽ thực hiện từ 1-1-2009 nếu được Ngân hàng nhà nước chấp thuận, mức trừ sẽ là 1.000 đồng/lần giao dịch.

Ngân hàng: Không thu phí không có tiền nâng cấp máy!

Bà Hà nói: “Hội thẻ vẫn luôn khuyến cáo các ngân hàng tăng chất lượng dịch vụ. Các chủ thẻ cũng đừng cầu toàn quá vì thực tế giao dịch ATM phụ thuộc rất nhiều vào khách quan. Đi nước ngoài cũng có đầy máy ATM tậm tịt, kể cả máy ở các khách sạn năm sao chứ nói gì đến máy ATM ở Việt Nam”.

Bà Hà nói thêm, việc thu phí cũng là bình thường thôi khi mà tiền có thể rút 24/24 giờ. Thế nhưng với các cụ về hưu, người làm công ăn lương, bà Hà cho rằng chủ trương của Chính phủ không tính đến đối tượng làm công ăn lương mà chỉ nói đến việc trả lương qua tài khoản chứ không nói là chuyển qua ATM. Trả lương qua tài khoản khác với trả lương qua tài khoản ATM. Nếu lấy lương qua tài khoản ngân hàng thì có ai thu phí đâu. Nếu các cụ về hưu không muốn mất phí thì có thể rút tiền tại các phòng giao dịch thay vì qua máy ATM.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Trưởng phòng Quản lý thẻ Vietcombank, cho biết hiện có 40 ngân hàng có dịch vụ ATM với khoảng 12 triệu thẻ. Sau rất nhiều thời gian cân nhắc, các ngân hàng cũng thấy là đã đến thời điểm cần thu phí. Riêng Vietcombank dự kiến từ nay đến hết quý I-2009 sẽ lắp thêm 440 máy ATM nữa, trong đó chi phí vốn cho mỗi máy là 600 triệu đồng. Nếu không thu phí thì chi phí vốn đầu tư máy, chi phí thuê địa điểm, thuê nhân viên... sẽ không biết lấy đâu ra để đầu tư và nâng cấp để dịch vụ này tốt hơn.

Tiền đã ít mà còn phải chịu phí

Sáng 18-11, sau khi rút tiền rồi coi lại biên lai giao dịch ATM, chị Nguyễn Thùy Linh (sinh viên Đại học Thương mại Hà Nội) chẳng hiểu tại sao tài khoản bị trừ mất 3.300 đồng. Linh nói: “Hồi đầu năm nay, khi các ngân hàng chưa liên minh với nhau thì em vẫn phải đạp hai cây số đến đúng máy ATM của Agribank để rút. Khi biết thẻ ATM của BIDV, Vietinbank... có thể rút chung nhau mà lại không mất phí thì tiện quá. Thế nhưng tháng trước em cũng đi rút máy này thì không bị trừ phí mà chả hiểu sao lần này lại bị trừ. Thế là mất một phần ba bữa trưa nay của em rồi”.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng thông qua báo chí, các ngân hàng cho rằng hoãn thu phí ATM lại để chia sẻ khó khăn, lạm phát cao nhưng thực ra không phải vậy. Việc thu phí ATM thể hiện các ngân hàng đang tận thu. Quan trọng nhất là số dư tài khoản tối thiểu của khách hàng phải để lại cho ngân hàng là bao nhiêu. “Số tiền này gọi là số tiền duy trì tài khoản thẻ ATM sẽ được ngân hàng cho vay dài hạn, lời lắm!” - ông Dương nói.

Chúng tôi thử tính toán, nếu ngân hàng duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản để lại khoảng 100.000 đồng, với con số hơn 14 triệu thẻ ATM trên cả nước thì ngân hàng đã thu về 1.400 tỷ đồng cố định dài hạn, lãi suất không kỳ hạn. Như vậy, những ngân hàng nào có nhiều máy ATM sẽ là một lợi thế cạnh tranh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán tài chính ngân hàng Đại học Mở TP.HCM cũng nhận định: Trong khi lương của người lao động không cao mà còn tính phí thì e rằng người lao động sẽ quay sang chủ đòi trả tiền mặt.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Dương cho rằng các ngân hàng không thu phí sẽ có lợi hơn. Nếu không thu phí ATM, khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ nhiều hơn, số tiền trong tài khoản của khách hàng sẽ duy trì nhiều hơn. Tiền trong máy ATM là nguồn vốn huy động rất rẻ, lãi suất không kỳ hạn khoảng 2%/năm (tùy từng ngân hàng). Các ngân hàng sẽ có nguồn vốn đầu vào rất rẻ này, đem đi cho vay lãi suất 18%-21%/năm còn lời hơn thu phí 1.000 đồng/lượt.

Ông Bùi Quang Tiên, Trưởng Ban thanh toán Ngân hàng nhà nước:

Cần phải cân nhắc thận trọng

Lãnh đạo ngân hàng chưa có ý kiến gì về việc thu phí giao dịch ATM. Tuy nhiên, cuối tuần này Ngân hàng nhà nước sẽ chủ trì cuộc họp với tất cả ngân hàng thương mại có dịch vụ ATM, Hội thẻ và Hiệp hội Ngân hàng để nghe ý kiến về việc này. Việc thu phí dịch vụ Banknetvn không quan trọng bằng việc thu phí dịch vụ ATM đại trà. Việc thu phí này cũng không ảnh hưởng đến số đông. Tuy nhiên, việc thu phí giao dịch ATM là cần phải cân nhắc thận trọng.

Nếu thu phí giao dịch ATM, Ngân hàng nhà nước sẽ siết chặt việc các ngân hàng cần phải nâng cấp dịch vụ này cho tốt hơn. Việc nâng cao dịch vụ sẽ là số một, nếu nâng phí mà dịch vụ vẫn thế, có những trục trặc hết tiền, máy hỏng... thì đơn vị cấp thẻ cần phải khắc phục ngay.

Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM:

Muốn thu phí thì phải tăng số lượng máy!

Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân rất nhiều nhưng máy ATM lại ít. Cứ đến cuối tháng ,công nhân phải xếp hàng chờ đến lượt rút lương. Vì vậy, ngân hàng thu phí thì phải tăng số lượng máy ATM lên ở những nơi đông người mới tương xứng.

VŨ HƯNG - LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm