Tuần qua, bài viết “Đề xuất thu thuế tài sản căn hộ giá 50 triệu đồng/m2” thông tin dự án Luật Thuế bất động sản (BĐS) đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến. Trong đó có nội dung sẽ áp dụng thu thuế với căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, mục đích là góp phần đảm bảo công bằng trong việc điều tiết thu nhập của mọi tầng lớp dân cư. Đề xuất này đã nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc.
Người dân sẽ khó mua được nhà
Bạn đọc Phan Hưng chia sẻ từ thực tế câu chuyện của mình: “Hiện tại, tôi đang mua căn hộ hình thành trong tương lai và trả góp theo tiến độ. Sở dĩ tôi chọn mua với hình thức này vì tôi không đủ tiền trả một lần và phải tích góp dần với mong muốn an cư lạc nghiệp. Căn hộ tôi mua là căn hộ bình thường ở quận Tân Bình có diện tích 45 m2 với giá là 2,5 tỉ đồng, tính ra là hơn 50 triệu đồng/m2. Nếu căn hộ của tôi phải chịu thêm thuế theo đề xuất thì chúng tôi sẽ rất khó khăn. Có thể cả đời người lao động cũng không mua nổi một căn nhà để ở.
Tôi cho rằng đề xuất này là chưa hợp lý bởi hiện nay giá căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 là giá mặt bằng chung (trung cấp) chứ không phải cao cấp. Căn hộ có diện tích nhỏ thì giá càng cao. Người khó khăn không có tiền phải mua căn hộ nhỏ mà theo đề xuất trên thì phải chịu thêm thuế. Cơ hội để có nhà ở đối với một bộ phận người dân sẽ càng khó hơn bởi hiện nay giá BĐS đã quá cao, nhiều người dân không thể với tới nổi”.
Lo ảnh hưởng đến thị trường bất động sản
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Đề xuất đánh thuế tài sản đối với căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 được cho là sẽ giúp hạn chế số lượng nhà ở cao cấp, phân bổ hợp lý các dòng sản phẩm từ thấp cấp đến cao cấp, góp phần đảm bảo công bằng trong việc điều tiết thu nhập của mọi tầng lớp dân cư. Tuy nhiên, việc này cần cân nhắc bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, dự án Luật Thuế BĐS dự thảo dự kiến đánh thuế giá bán căn hộ theo tiêu chí giá bán tính trên mét vuông là không hợp lý. Giả sử một người mua căn hộ 45 m2 với giá 50 triệu đồng/m2 thì giá trị căn hộ sẽ là 2,25 tỉ đồng, nếu tính giá 50 triệu đồng/m2 để thu thuế thì căn hộ nêu trên phải chịu thuế BĐS. Trong khi đó, một người khác mua căn hộ 90 m2 với giá 40 triệu đồng/m2 thì giá trị căn hộ sẽ là 3,6 tỉ đồng lại không phải chịu thuế BĐS. Đó là chưa tính đến các bất cập khác mà người dân sẽ thấy không công bằng như căn hộ đó có bao nhiêu người sinh sống, một người được ở bao nhiêu diện tích sàn xây dựng trong căn hộ đó.
Việc đánh thuế căn hộ giá cao là chưa hợp lý bởi hiện nay giá căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 là giá mặt bằng chung chứ không phải cao cấp. Ảnh: HÀ THANH |
Thứ hai, việc đề xuất thuế cần mang tính đồng nhất và phổ biến. Tại sao mỗi gia đình đều sở hữu một căn hộ, thế nhưng có gia đình phải chịu thuế, gia đình lại không? Như thế có đảm bảo nguyên tắc công bằng hay không cũng cần phải cân nhắc.
“Đề xuất đánh thuế cao với căn hộ hơn 50 triệu đồng/m2 chưa rõ ràng về tiêu chí. Việc đánh thuế căn hộ cần có lộ trình và chọn thời điểm thích hợp. Thuế BĐS, thuế nhà ở nếu được thông qua thì phải giữ nguyên tắc không phải tăng thuế trên tài sản mà là cải cách thuế trên tài sản, tức là thuế này không đánh vào người nghèo mà đánh vào hoạt động đầu cơ, tích trữ nhà ở. Thiết nghĩ nên đánh thuế tài sản với người có căn nhà thứ hai nhưng không để ở mà cho thuê hoặc để không sẽ hợp lý hơn. Nếu đánh thuế trên giá bán theo quy định như trên thì vừa chưa ổn về mặt tiêu chí đồng thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS” - luật sư Hậu nhận định.
Nên đánh thuế căn nhà thứ hai
Song song với ý kiến cần cân nhắc với đề xuất thu thuế tài sản căn hộ giá 50 triệu đồng/m2, một số bạn đọc cũng nêu ý kiến nên thu thuế đối với căn nhà thứ hai.
“Nhà nước cần đánh thuế những chủ sở hữu nhà có căn nhà thứ hai. Chẳng hạn, chủ hộ có một sổ hồng để ở và sinh sống thì thu thuế theo quy định hiện nay; còn đối với căn nhà thứ hai, thứ ba thì phải chịu thêm thuế” - bạn đọc Bích Ngân.
“Các cơ quan chức năng cần giám sát quá trình sử dụng BĐSđể hạn chế tình trạng nhiều người đã dùng tiền đầu cơ đất kiếm lợi nhuận cao, họ dùng tiền mua đi bán lại, để đất hoang hóa. Cần tránh tình trạng người không có đất để sản xuất, không có nhà để ở còn người thì mua rồi bỏ đó” - bạn đọc Nguyễn Trân.
“Tôi nghĩ khi người dân mua nhà có giá trị cao mà họ cho thuê thì Nhà nước giám sát chặt chẽ để không có tình trạng trốn thuế. Ngoài ra, chỉ cần Nhà nước tính thuế chuyển nhượng, thuế trước bạ sát với giá thị trường, điều này sẽ đem lại lợi ích lớn cho ngân sách nhà nước, người dân luôn đồng tình” - bạn đọc Đức Trí.