Đào 7 cù lao để chống ngập cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

(PLO)- Sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây một phần lỗi thuộc về tư vấn thiết kế nên đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm khơi thông dòng chảy và chịu toàn bộ chi phí.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) vừa có văn bản gởi Sở GTVT tỉnh; Sở NN&PTNT tỉnh và Ban Quản lý Dự án (Ban QLDA) Thăng Long liên quan đến việc thanh thải sông Phan, hạn chế ngập lụt trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Đoạn cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây bị ngập. Ảnh CTV.

Đoạn cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây bị ngập. Ảnh CTV.

Cụ thể, UBND huyện Hàm Thuận Nam nhận được công văn của Ban QLDA Thăng Long về việc thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống K25+416 đến hạ lưu cầu Sông Phan Km24+348 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.

Sau khi khảo sát thực tế, UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, đoạn đề nghị thanh thải, khơi đào lòng Sông Phan có chiều dài 1.500 m, chiều rộng lòng sông Phan tính từ hai bên bờ khoảng 25 m.

Hiện trạng trên toàn tuyến dự kiến thanh thải, khơi đào có bảy cù lao nhỏ nằm giữa sông. Trên cù lao có nhiều cây tre, le và cây lùm bụi mọc um tùm; hai bên dòng sông Phan có nhiều cây lùm bụi, tre, le và cây tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông.

Nước lớn dâng lên sát cầu sông Phan. Ảnh Ban QLDA.

Nước lớn dâng lên sát cầu sông Phan. Ảnh Ban QLDA.

UBND huyện Hàm Thuận Nam thống nhất phương án triển khai thanh thải, khơi đào lòng Sông Phan đoạn sông nói trên theo đề nghị của Ban QLDA Thăng Long. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cần lưu ý, không được tác động làm sạt lở hai bên bờ sông gây ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân; phải liên hệ với địa phương để bố trí bãi đổ thải khi khơi đào các cù lao giữa sông.

Trong quá trình thanh thải có những cây là cây lấy gỗ thì phải thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Như PLO đưa tin, từ ngày 27 đến 29-7 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là trong đêm 28-7. Đến khoảng 4 giờ 30 ngày 29-7, tại lý trình Km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa phận xã Sông Phan, Hàm Tân xảy ra ngập nước. Điểm ngập sâu nhất chiều cao khoảng 70 cm, khiến xe cộ không lưu thông được theo cả hai chiều, gây ùn tắc giao thông khoảng 10 km.

Sự cố ngập cao tốc được xem là sự cố hi hữu. Ảnh Ban QLDA.

Sự cố ngập cao tốc được xem là sự cố hi hữu. Ảnh Ban QLDA.

Sau sự cố hi hữu trên, các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương đã có nhiều cuộc họp mổ xẻ nguyên nhân và Bộ GTVT đã cử chuyên viên vào khảo sát.

Đến ngày 16-8, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng nguyên nhân ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, bộ này khẳng định đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và nhận thấy quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Cạnh đó, trước khi dự án triển khai xây dựng, tại vị trí cống ngang đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở đoạn bị ngập, tư vấn đã khảo sát mực nước lũ cao nhất lịch sử là vào năm 1992, trong đó tại vị trí cống với cao độ là 43,14 m.

Tuy nhiên, thời điểm xảy ra ngập, nước sông Phan và lượng mưa chưa đạt đỉnh lũ 1992 nhưng khu vực cống lại vượt độ cao lên đến 45,23 m, tức cao hơn đỉnh lũ. Đây được xem là yếu tố bất thường cần phải nghiên cứu, đưa ra giải pháp.

Bộ GTVT cũng thừa nhận nguyên nhân gây ngập cao tốc có lỗi của tư vấn, bởi việc tính toán cao độ thiết kế theo tần suất 1% tại vị trí cống mà chưa xét đến mực nước dềnh; chưa lường hết việc thu hẹp dòng chảy phía hạ lưu cống dẫn đến dềnh ứ nước cục bộ.

Sự cố ngập khiến giao thông ùn ứ kéo dài trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh PĐ.

Sự cố ngập khiến giao thông ùn ứ kéo dài trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh PĐ.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu tư vấn phải chịu toàn bộ chi phí cho việc khắc phục sự cố trên. Trước mắt, Bộ GTVT đưa ra giải pháp là yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương tổ chức thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan.

Mục đích tăng khả năng thoát nước và hạ thấp cao độ mực nước trên sông Phan qua đoạn này, giảm ảnh hưởng nước dềnh lên khu vực công trình.

Về giải pháp lâu dài, Bộ GTVT giao cho Ban QLDA Thăng Long thuê tư vấn để khảo sát đánh giá, trong đó có tính đến việc nâng cao đoạn đường ngập. Tuy nhiên, việc này phải cần có thời gian Ban QLDA Thăng Long cũng thừa nhận việc ngập cao tốc một phần lỗi thuộc về tư vấn thiết kế, bởi tuyến đi sát sông cần phải tính toán phương án nước dâng cao và tràn lên.

Vì vậy, đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm khơi thông dòng chảy và toàn bộ chi phí thực hiện đều do đơn vị tư vấn này chi trả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm