Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngập: Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm

(PLO)- Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ do bộ làm chủ quản đầu tư cũng như đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả sau đầu tư xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-8, ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi Bộ trưởng Bộ GTVT liên quan đến tình trạng ngập cục bộ tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sáng 29-7. Ảnh PĐ

Ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sáng 29-7. Ảnh PĐ

Theo đó, xét báo cáo ngày 16-8 của Bộ GTVT về tình trạng ngập cục bộ tại km25+369- km25+469, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý triệt để, không để lặp lại tình trạng tương tự tại dự án này cũng như các dự án khác.

Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ do bộ làm chủ quản đầu tư cũng như đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả sau đầu tư xây dựng.

Như PLOđưa tin, từ ngày 27 đến 29-7 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là trong đêm 28-7. Đến khoảng 4 giờ 30 ngày 29-7, tại lý trình Km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa phận xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) xảy ra ngập nước.

Điểm ngập sâu nhất chiều cao khoảng 70cm, khiến xe cộ không lưu thông được theo cả hai chiều, gây ùn tắc giao thông khoảng 10km.

Phương tiện ùn tắc kéo dài khi sự cố ngập nước hi hữu xảy ra. Ảnh PĐ

Phương tiện ùn tắc kéo dài khi sự cố ngập nước hi hữu xảy ra. Ảnh PĐ

Sau sự cố hi hữu trên, các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương đã có nhiều cuộc họp mổ xẻ nguyên nhân và Bộ GTVT đã cử chuyên viên vào khảo sát.

Đến ngày 16-8, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, bộ này khẳng định đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và nhận thấy quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Cạnh đó, trước khi dự án triển khai xây dựng, tại vị trí cống ngang đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở đoạn bị ngập, tư vấn đã khảo sát mực nước lũ cao nhất lịch sử là vào năm 1992, trong đó tại vị trí cống với cao độ là 43,14m.

Tuy nhiên, thời điểm xảy ra ngập, nước sông Phan và lượng mưa chưa đạt đỉnh lũ 1992 nhưng khu vực cống lại vượt độ cao lên đến 45,23m, tức cao hơn đỉnh lũ. Đây được xem là yếu tố bất thường cần phải nghiên cứu, đưa ra giải pháp.

Bộ GTVT cũng thừa nhận nguyên nhân gây ngập cao tốc có lỗi của tư vấn, bởi việc tính toán cao độ thiết kế theo tần suất 1% tại vị trí cống mà chưa xét đến mực nước dềnh; chưa lường hết việc thu hẹp dòng chảy phía hạ lưu cống dẫn đến dềnh ứ nước cục bộ.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu tư vấn phải chịu toàn bộ chi phí cho việc khắc phục sự cố trên.

Trước mắt, Bộ GTVT đưa ra giải pháp là yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương tổ chức thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan.

Mục đích tăng khả năng thoát nước và hạ thấp cao độ mực nước trên sông Phan qua đoạn này, giảm ảnh hưởng nước dềnh lên khu vực công trình, hoàn thành trong tháng 8-2023.

Về giải pháp lâu dài, đại diện Bộ GTVT giao cho Ban quản lý dự án Thăng Long thuê tư vấn để khảo sát đánh giá, trong đó có tính đến việc nâng cao đoạn đường ngập. Tuy nhiên, việc này phải cần có thời gian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm