Ranh giới, bộ phim tài liệu dài hơn 50 phút vừa phát sóng trong chương trình VTV đặc biệt, trên sóng VTV1 tối qua (8-9) đang tạo ra nhiều dư luận trái chiều.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, người thực hiện bộ phim tài liệu Ranh giới đang thu hút dư luận đã chia sẻ về những bệnh nhân xuất hiện trong phim.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ê kíp đã ở TP.HCM suốt 21 ngày để thực hiện phim tài liệu. Ảnh: VTV.vn
Sáng 9-9, PLO đã có trò chuyện cùng đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, người trực tiếp cùng quay phim Viết Phong thực hiện bộ phim này.
. Phóng viên: Chào anh, anh có thể chia sẻ về thời gian, lý do anh chọn đề tài y bác sĩ cùng thai phụ đối diện với COVID-19?
+ Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Trước khi vào TP.HCM bắt tay thực hiện phim tài liệu về COVID-19 tôi và ê-kíp chưa có đề tài cụ thể. Tôi chỉ thấy nhiều nhất là hình ảnh bệnh nhân thở máy, nằm bất động chứ chưa có những hình dung khác trong một bệnh viện về đại dịch này.
Trong rất nhiều đề tài miên man suy nghĩ trong đầu, tôi quyết định làm về các thai phụ bị nhiễm SARS-CoV-2. Có lẽ cuộc sống giống như một vòng tròn luân hồi, khi dịch bệnh cướp đi nhiều sinh mạng thì bên cạnh đấy vẫn có những em bé ra đời.
Và thực tế suốt 15, 16 ngày ê-kíp ở bệnh viện càng nhận thấy rõ ranh giới giữa sống và chết quá mong manh…
Một cảnh trong phim Ranh giới. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
.Trước đây anh từng trả lời phỏng vấn PLO, rằng “không phải sự thật nào cũng tốt khi công bố”, vậy cụ thể trong Ranh giới, với anh, ranh giới nào cho ê-kíp làm phim giữa những bí mật đời tư, quyền nhân thân của bệnh nhân và việc công khai nó trước công chúng?
+ Trước khi chọn công bố một sự thật nào tôi cũng đều có những dấu hỏi cho mình. Sự thật nào cũng có hai mặt. Ngày trước khi làm phim tài liệu về bệnh AIDS, nhân vật tôi khai thác đều che mặt bởi với căn bệnh đó, những lây nhiễm khó giải thích nguyên nhân, còn với COVID-19 là dịch bệnh, sự lây nhiễm rất rõ ràng.
Y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương cấp cứu cho sản phụ nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Tôi biết khi phim công chiếu, khán giả sẽ nói nhiều về quyền con người, bảo vệ hình ảnh bệnh nhân… Trong Ranh giới, nếu mọi người xem sẽ thấy 90% nhân vật là bệnh nhân nặng, bất động, không nói được… thì ê-kíp sẽ không quay thẳng mặt mà quay xa, quay qua vai... Với những nhân vật xuất hiện thẳng, rõ mặt đều là những nhân vật còn nói chuyện được.
Tôi ở suốt trong bệnh viện, gặp bệnh nhân, tôi được nói chuyện, gặp gỡ họ hằng ngày. Tôi không muốn che mặt người ta xấu đi bao giờ. Tất cả bệnh nhân câu đầu tiên tôi gặp, đều giới thiệu mình làm gì, phim ra sao… họ đồng ý tôi mới quay.
Khi làm hậu kỳ để phát sóng, tôi cũng tiếp tục suy nghĩ việc nên che mặt hay không. Tôi có hỏi đội ngũ bác sĩ nên để hay che đi, các bác sĩ đều từ góc nhìn riêng tư về các gia đình. Đó là với COVID-19, bệnh nhân không được gặp người thân trước khi mất, nên hình ảnh về họ trước khi mất có thể là chút kỷ niệm cuối cùng.
Trong phim có cảnh một người bố muốn gặp người con gái lần cuối nhưng không thể gặp do dịch bệnh lây lan. Sau đó bác sĩ cho ông xem hình ảnh con những giây phút cuối cùng, đó là hình ảnh quý giá cuối cùng người cha được thấy về con… (trong phim Ranh giới, khoảnh khắc này từ phút 36 – PV).
Những nhân vật trong phim có người còn, người mất, người được về nhà người vẫn còn xa cách người thân... Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
. Vậy có nhiều bệnh nhân không đồng ý xuất hiện trong phim khiến anh và ê-kíp không đưa được vào phim không?
+ Cho đến giờ, nhân vật trong phim tôi người còn, người đã ra đi. Nhân vật nào không đồng ý tôi sẽ không quay nhưng tôi vẫn giữ liên lạc, thăm hỏi họ… Đến giờ nhiều nhân vật qua điện thoại hỏi thăm tôi biết họ đã về đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, với phim Ngày con chào đời (phát sóng vào 22-9), gia đình nhân vật chính đến giờ vẫn chưa đoàn tụ được. Tôi đang làm hậu kỳ cho phim này, nhiều cảnh nhờ gia đình quay.
. Cho đến giờ, trong cách dùng hình ảnh kể chuyện của mình, anh đã gặp nhiều phản ứng không?
+ Khi công bố sự thật thì khó tránh khỏi nhân vô thập toàn. Nhiều phim của tôi có ý kiến trái chiều, từng gặp phản ứng. Với Ranh giới, mục đích cuối cùng của bộ phim là nói lên sự khắc nghiệt, hy sinh của y bác sĩ, chiến đấu về tinh thần của mỗi bệnh nhân… để từng người chúng ta có ý thức hơn trong việc phòng, tránh dịch mà thôi.
. Xin cảm ơn anh!